Nhà tù Hỏa Lò, cách đây hơn 120 năm, từng là nơi chứng kiến nhiều đau thương khốn cùng, cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường khi phải đối mặt với nhục hình và cái chết của các người con Việt Nam yêu nước. Cùng với Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Hỏa Lò được ví như “địa ngục trần gian” trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh gian khổ.
Nhà tù Hỏa Lò hay nhà pha Hỏa Lò là một nhà tù do thực dân Pháp xây dựng trên khu đất xưa thuộc làng Hoả Lò, nay có địa chỉ: số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà tù Hỏa Lò là một địa danh nổi tiếng bởi từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và phi công Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Địa danh được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1543-QĐ/VH ngày 18/6/1997 công nhận là di tích lịch sử.
Sau Hiệp định Paris năm 1954, Chính phủ Việt Nam đã tiếp quản và sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để làm nhà tù dân sự và đổi tên thành Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố Hà Nội.
Từ năm 1964 đến năm 1973, Nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ phi công Mỹ, trong số đó có Douglas Peterson, về sau là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và Thượng nghị sĩ John McCain, người có vai trò tích cực trong việc phát triển bình thường hóa mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau năm 1993, một phần phía Đông Nam của Nhà tù Hỏa Lò được tôn tạo, giữ gìn thành Khu lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò, và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành cao ốc thương mại có tên Tháp Hà Nội.
Trong khuôn viên di tích còn có đài tưởng niệm để khắc tạc hình ảnh lao tù khổ ải và tưởng nhớ các chiến sĩ, nhà cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Đây là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, và bày tỏ lòng biết ơn với những người đã khuất.