Top 15 Bài văn tả cây cối chọn lọc hay nhất

5.0  (1 bình chọn)
 1,356

Cuộc sống quanh ta có rất nhiều loài cây có ích, từ cây cảnh, cây ăn quả, cây làm thuốc,... mỗi loài cây đều mang một dáng vẻ và ý nghĩa riêng. Vì vậy trong thể loại văn miêu tả thì tả cây cối là một trong những chủ đề mà các em hay gặp nhất. Vì nó đa dạng nên với chủ đề này các em có thể thoải mái lựa chọn đối tượng để tả, tuy nhiên tả như thế nào cho hay thì các em cần phải có óc quan sát thật tinh tế, ngôn từ phải mềm mượt và phong phú.

Dưới đây Topz đã sưu tầm 15 bài văn tả về cây cối hay nhất để các em có thêm nguồn tài liệu thao khảo, làm tốt chủ đề này nói riêng và học tốt môn văn nói chung nhé! 

1

Bài văn tả cây cối 1

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây nho

Đặc điểm nổi bật: Lá nho to hơn bàn tay xoè, màu xanh ngát. Quả nho mọc thành chùm dài, quả nào quả nấy cứ tròn xoe, mọng nước. Khi chín, vỏ nho chuyển dần sang màu màu đỏ, bên ngoài được phủ một lớp bột sáp. Hương vị của quả nho rất tuyệt. Chúng có vị ngọt sắc, rất giòn và thơm ngon. 

Trong vườn nhà em bố em trồng rất nhiều cây ăn quả như cam, táo, xoài,… nhưng chỉ có duy nhất một cây thân dây leo đó chính là cây nho.

Em cũng rất yêu quý cây nho nữa. Nho được biết đến cũng chính là một loại quả mọng lấy từ các loài cây thân leo thuộc chi nho.Và em cũng đã quan sát được trong vườn nho nhà em thì quả nho mọc thành chùm nhìn cũng thật thích mắt có chùm hơn 100 quả, nhưng bố em nói thực tế có rất nhiều vườn nho còn có chùm lên đến 300 quả nữa. Em thật bất ngờ khi bố nói với em như vậy nhưng sự thật quả là như vậy đó. Những quả nho nhà em trồng thì chúng có màu đo đỏ khi chín còn xanh thì cũng có màu xanh thôi. Khi quả nho chín thì quả nho có thể ăn tươi hoặc được sấy khô để làm nho khô. Đặc biệt trong những đợt năm mới xuân về có rất nhiều người đến hỏi mua nho về để sấy làm nho khô. Những quả nho khô thật dễ ăn, có hương vị thơm ngon để ăn trong ngày Tết khi có khách thì còn gì tuyệt vời hơn chứa.

Thế rồi nho cũng như đã được dùng để sản xuất các loại rượu vang, thạch nho, nước quả, mật nho,… Tuy nhiên, bố em cũng đã nói với em rằng các loài nho dại lại bị coi là một loại cỏ dại gây nhiều phiền toái cho con người. Lý do chúng che phủ các loài thực vật khác với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của mình. Nhà em trồng có một giàn nho thôi nhưng nó mọc cũng rất nhanh nữa, chẳng mấy chốc đã chiếm diện tích lớn trong khu vườn nhà em rồi.

Em cũng rất yêu quý cây nho, bởi cây nho cho nhà em có thêm thu nhập đồng thời cũng cung cấp những trái nho thơm ngon và bổ dưỡng cho con người.

Bài văn tả cây cối 1
2

Bài văn tả cây cối 2

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây sen

Đặc điểm nổi bật: Hoa sen cung đã trở thành nguồn cảm hứng cho thiết kế thời trang để rồi có biết bao bộ áo dài ra đời từ đó. Hao sen làm đẹp, lam duyên cho mái ấm gia đình của chúng ta! Hoa sen trở thành “ quốc hoa” cũng đúng thôi.

                                                              Tháp Mười đẹp nhất bông sen

                                                            Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Mỗi lần nhắc tới lời ca, lòng ta không khỏi mến yêu hoa sen, từ lâu người thiếu nữ ấy đã gắn liền với vẻ đẹp truyền thống của dân tộc ta.

Còn gì đẹp bằng khi được ngắm nhìn đầm sen vào những trưa hè? Mặt nước được lá sen che ngợp, xen vào giữa tấm thảm xanh màu mỡ ấy là những nụ sen bé nhỏ, tim tím vươn thẳng lên trời xanh đón lấy nắng gió. Có lẽ sen cũng “linh hoạt trong môi trường linh hoạt” (Nê-mô). Dù sống trên lớp bùn nhơ, nụ hoa đài các vẫn mang vẻ đẹp riêng điểm tô cho cuộc đời. Tới khi hấp thụ đủ dưỡng chất từ bùn đất màu mỡ, những cánh hoa bé nhỏ hé mở, xếp chồng lên nhau.

Đóa sen có màu hồng phớt, từng lớp cánh hoa khum khum như bàn tay trẻ nhỏ, nâng đỡ chiếc nhụy vàng nhỏ xíu ở giữa. Hương sen dìu dịu làm ngây ngất lòng người trong những trưa hè đổ lửa.Sau này khi hoa sen tàn, chỉ còn lại đài sen xanh như cái bát chứa nhiều hạt sen to trong khi cánh hoa trở về với bùn đất. Ngắm nhìn bông sen bé nhỏ mà mấy ai biết rằng đóa sen ấy sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời cho con người. Gian phòng trở nên thanh lịch hơn khi được những đóa sen tô điểm. Sen cung cấp nhiều nhiên liệu cho những món ăn dân dã mà bổ dưỡng. Hạt sen có vị ngọt giòn là thức quà không thể thiếu của tuổi thơ hay trong mỗi nồi chè sen thơm ngào ngạt của mẹ. Tâm sen tuy đắng mà là bài thuốc hữu dụng chữa chứng mất ngủ, dùng để ướp trà sẽ được thưởng thức hương vị thanh đạm của chốn đồng quê. Lá sen mượt mà tôn thêm sức hấp dẫn của món cốm làng Vòng, khiến thức quà của lúa non mang một vị ngọt dịu, hương thơm thoang thoảng khó quên. Mỗi loài hoa đều có những ý nghĩa riêng.

Nếu hoa hồng nhung thể hiện tình yêu nồng nàn, hoa cúc gợi lòng hiếu thảo hay khí chất người quân tử… thì hoa sen biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống kiên cường của người dân Việt Nam. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, đóa sen đẹp giản dị nhưng vẫn sáng lên tâm hồn cao đẹp-đó là sự gắn bó chung thủy, lòng yêu nước sâu sắc, khí chất bất khuất… Nét đẹp ấy không được phô diễn mà lặng lẽ thấm trong từng dòng máu như hương sen nhè nhẹ.

Ta thấy lòng thanh thản khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của hoa sen nhưng lòng ta còn tự hào về phẩm chất tuyệt vời của loài hoa này. Hoa sen còn là biểu tượng đẹp cho con người Việt Nam.

Bài văn tả cây cối 2
3

Bài văn tả cây cối 3

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây dừa

Đặc điểm nổi bật: Cây dừa rất cao, vượt qua mọi tầng lá xanh của cây cối trong làng. Tàu dừa to, gồm nhiều nhánh lá nhỏ dài, như mái tóc đương xanh của người thiếu nữ xuân thì. Từng trái dừa lủng lẳng dưới tán lá, chứa bao dòng nước ngọt thanh - thứ nước mà những đứa trẻ luôn khao khát hơn bất kì loại nước ngọt nào.

Quê em là một xóm nhỏ tại miền Tây sông nước. Ở đó, có những người dân quê chân chất thật thà. Có những dòng sông, con nước đan xen chằng chịt. Có những miệt vườn xum xuê cây trái. Nhưng em yêu thích và ấn tượng nhất vẫn là những hàng dừa xanh mọc dọc bên bờ sông phía sau nhà.

Những cây dừa ở quê em không bao giờ đơn độc đứng một mình. Khi nào cũng có vài ba cây dừa được trồng gần nhau. Giống như tình làng xóm láng giềng luôn quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của người dân nơi đây. Điều đặc biệt là, những cây dừa ở đây không quá cao như ở nơi khác. Chỉ khoảng 2 đến 3 mét. Thân cây thì lại rất to, mũm mĩm, mọc xiêu vẹo, cong cong theo các hướng khác nhau. Vì vậy, mà việc leo trèo, hái quả, hái lá của cây dừa nơi đây trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thân dừa cứng cáp màu nâu sẫm, chia thành nhiều khúc.

Càng lên cao, thân dừa càng nhỏ dần đi và các khúc thân cũng dài hơn. Rễ dừa thì xuề xòa y như rễ tre, nhưng nó lại to hơn và trồi lên mặt đất khá nhiều. Dù vậy, cây vẫn rất chắc chắn và mạnh khỏe. Dù một lúc cá cả vài ba đứa nhóc trèo lên vẫn chẳng lo gì. Lá dừa quê em có kích thước rất lớn, có lá còn dài chạm đến mé sông, mặt đất. Những chiếc chĩa lên cao thì có màu xanh mới, khi có gió thổi qua, lại rung rinh, như muôn cánh tay đang vẫy chào trời cao. Còn những tàu ở thấp lại có màu xanh sẫm hơn. Đặc biệt, những tàu sà xuống gần mặt đất, sẽ vô cùng tơi tả, do lũ trẻ con bám lên đó mà đánh đu. Đó cũng là trò chơi thú vị mà dân dã của trẻ em nơi đây. Những chùm dừa sẽ nằm sát dưới nách các tán lá, tít trên cao. Nơi mà các người rành trèo cây mới lên hái được. Một chùm thường sẽ có từ 5 đến 7 trái dừa. Tuy những trái dừa này không to lắm, thường chỉ bằng cái tô con ăn hủ tiếu. Nhưng lại có nước ngọt thanh, cùi cũng dày và bùi béo. Từ trái dừa ấy, bao nhiêu món ngon hấp dẫn được các dì, các mẹ, các chị chế biến. Mỗi lần về quê, em lại sung sướng cùng các bạn tụ tập dưới gốc cây dừa bên mé sông. Để cùng nhau tỉ tê kể những câu chuyện thú vị, rồi cười phá lên thích thú. Và để cùng nhau chơi những trò chơi hấp dẫn dưới gốc dừa. Nào là chơi đánh đu trên tàu lá, thi trèo cây, đuổi bắt quanh gốc cây. Chơi mệt, lại đem những nước dừa, mứt dừa mẹ làm ở nhà ra chia sẻ cho nhau ăn. Vui thú vô cùng.

Cây dừa gắn bó với tuổi thơ của mọi người dân nơi làng quê này, và cùng họ lớn lên, trưởng thành. Dù đã từng đi chơi rất nhiều nơi, ngắm nhiều loại cây cao lớn, đẹp đẽ, quý giá. Nhưng với em, hình ảnh hàng dừa xanh, trồng dọc bờ sông sau nhà bà, sẽ mãi luôn là hình ảnh loài cây đẹp nhất.

Bài văn tả cây cối 3
4

Bài văn tả cây cối 4

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây Phượng

Đặc điểm nổi bật: Cây phượng có thân cây to lớn, lớp vỏ xù xì màu nâu sẫm. Từ thân cây mọc ra rất nhiều những cành cây chắc khỏe xum xuê lá xanh, nhìn từ xa cây phượng như người vệ sĩ khổng lồ đang dang tay che chở cho ngôi trường của em.

Sân trường em trồng rất nhiều cây bóng mát nhưng em yêu nhất là bác phượng vĩ già ngay trước cửa lớp học của em. Bác phượng vĩ đã già lắm, có lẽ từ khi ngôi trường được xây là bác đã có ở đây rồi.

Thân cây to, hai người ôm mới xuể. Vỏ cây xù xì, màu nâu sẫm. Nhưng mấy ai biết được đằng sau lớp vỏ xù xì xấu xí ấy là dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Cành cây to và dài như những cánh tay khổng lồ đang vươn ra để đón lấy những ánh nắng mặt trời. Rễ cây ngoằn ngoèo trên mặt đất như những con rắn hổ mang. Mùa hè, cây phượng vĩ xum xuê lá. Lá phượng màu xanh, nhỏ xíu, ngon lành như lá me non. Nhưng có lẽ, đẹp nhất vẫn là những chùm hoa phượng đỏ rực. Khi tiếng ve bắt đầu râm ran khắp không gian cũng là lúc hoa phượng hé đôi cánh đẹp xinh ra với đất trời. Hoa phượng năm cánh. Cánh hoa mềm như cánh bướm, màu đỏ thắm. Những chùm hoa lấp ló trong những tán lá xanh như những ngọn nến lung linh thắp sáng cả một khoảng

trời. Hết mùa, hoa phượng rụng xuống, làm cho một góc sân như được dệt một tấm thảm nhung màu đỏ khổng lồ. Khi thu sang, những chùm hoa đỏ rực rỡ lần lượt được thay bằng những quả phượng. Quả phượng như quả bồ kết, nhưng to và dài hơn. Đông về, bác phượng lại trở về là lão già buồn tênh giữa những tiếng vi cu của từng cơn gió lạnh lẽo. Cây phượng đứng đó, âm thầm và lặng lẽ giữa đất trời để u ấm những mầm non. Rồi đến khi xuân về, hơi thở ấm áp của nó sẽ thổi bừng lên sự sống cho cây.

Dưới tán cây mát rượi đã có biết bao nhiêu những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với thầy cô, bạn bè. Em rất yêu bác phượng vĩ trường em.

Bài văn tả cây cối 4
5

Bài văn tả cây cối 5

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây nhãn

Đặc điểm nổi bật: Cây nhãn là một cây thân gỗ, vỏ thân cây xù xì màu nâu có vẻ xấu xí nhăn nheo. Cây nhãn có rất nhiều cành, từ thân mọc ra những cành to, rồi từ cành to lại vươn ra những cành bé, cứ thế chúng nối tiếp nhau tạo thành một tán cây to che rợp hết cả cổng. 

Trước cổng nhà em bố trồng một cây nhãn rất cao to, đây là kỷ niệm cho ngày em sinh ra đời vì mẹ em rất thích ăn nhãn.

Cây nhãn đã được 15 tuổi, cùng tuổi với em luôn nên em xem nó như một người chị em của mình. Hàng ngày em đều ra thăm và tưới nước cho nó. Cây nhãn vẫn lặng lẽ đứng đó ngắm nhìn mọi sinh hoạt của gia đình em và đồng hành cùng em khôn lớn. Từ một cây nhỏ tí hon, yếu đuối nhờ sự chăm sóc của bố mẹ mà nay nó đã cao to và sum suê quả, bằng tuổi mà nó cao hơn em nhiều. Cây nhãn cao tầm sáu mét như một người khổng lỗ, oai phong đứng canh gác cho ngôi nhà em. Bộ rễ của nó to và khỏe bám sâu xuống lòng đất để lấy chất dinh dưỡng của mẹ đất và trụ bảo vệ cây nhãn khổng lồ, nhưng cũng có vài chùm rễ trồi lên cả mặt đất trông giống những con trăn.

Thân cây to như cái cột đình, một mình em ôm không xuể. Thân cây xù xì, vài khối u to bự hằn trên đó như dấu tích sương gió để lại. Cành cây đua nhau tỏa tứ phía làm thành một bộ khung vững chắc nâng đỡ tầng trên của cây nhãn, chúng làm thành tầng tầng lớp lớp như chiếc ô khổng lồ. Những cành cây to khỏe, mập mạp nâng đỡ nhánh cây đang vươn mình ra trước nắng gió, được bao phủ bởi một tán lá xum xuê. Lá nhãn hình mũi mác, có màu xanh đậm, cuống lá ngắn, những đường vân hiện lên như một bộ xương cá. Mùa xuân đến, muôn vật tỉnh giấc, nhãn cũng bắt đầu hân hoan trút bỏ những lá tàn úa để đón chào những chồi non xanh tươi. Khi nhận những giọt mưa xuân ấm áp thì nhãn bắt đầu đơm hoa, từng chùm hoa đua nhau tỏa hương thơm ngát cả không gian làm lũ ong cứ vờn nhau rộn ràng. Khi những chùm hoa rụng thì những chùm nhãn lủng lẳng, tròn vo nhìn như những chùm đèn lung linh xuất hiện. Quả nhãn chín, từng chùm quả mọng nước, ngọt lịm đến cuống họng. Mùa nhãn chín, lũ trẻ con xóm em thi nhau hái, đứa nào cũng thích cái hương vị ngọt ngào của cây nhãn này.

Nhãn không chỉ để thưởng thức mà còn dùng làm thuốc, hạt có thể chế cồn. Em rất yêu quý cây nhãn này, nó đã lớn lên cùng em như một người chị cùng em trải qua bao buồn vui của thời thơ ấu. Em sẽ chăm sóc cây nhãn thật tốt để nó luôn xanh tươi và cho trái ngọt để gia đình em thưởng thức hàng năm.

Bài văn tả cây cối 5
6

Bài văn tả cây cối 6

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây đào

Đặc điểm nổi bật: Đào mùa đông cành lá khẳng khiu, thân cây sần sùi, trông không hề có sức sống. Nhưng khi mùa xuân về thì cây đào khác hẳn. Thân cây “mập” lên, cành lá tỏa ra xum xuê. Những chiếc lá bé xíu màu xanh bích nhô lên ở đầu cành như nói: "Xuân về rồi! Xuân về rồi!”. 

Mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng, một ý nghĩa riêng…Hoa mai mang đến cho mảnh đất Phương Nam một sắc vàng của sự đầm ấm. Hoa ban mang một màu trắng giản dị cho vùng núi cao Tây Bắc. Riêng đối với người dân miền Bắc thì hoa đào là biểu tượng cho cái Tết đầm ấm, cho một mùa xuân tràn trề yêu thương và hạnh phúc.

Đào mùa đông cành lá khẳng khiu, thân cây sần sùi, trông không hề có sức sống. Nhưng khi mùa xuân về thì cây đào khác hẳn. Thân cây “mập” lên, cành lá tỏa ra xum xuê. Những chiếc lá bé xíu màu xanh bích nhô lên ở đầu cành như nói: "Xuân về rồi! Xuân về rồi!”. Đào mùa xuân tràn trề nhựa sống, một vẻ đẹp tuy giản dị nhưng cũng rất lộng lẫy, chẳng thế mà người ta bảo: “Thấy hoa đào nở là thấy Tết”. Những nụ hoa đào tuy nhỏ xíu nhưng ấp ủ và che chở cho những cánh hoa còn đang e ấp, thẹn thùng. Đến gần ngày giáp tết là những cái nụ dần dần hé nở, các cánh hoa vươn lên, tỏa ra như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Cánh nọ xếp lên cánh kia như nương tựa vào nhau để sống, như những người thân không thể tách rời nhau. Nhị hoa màu vàng tươi một sắc vàng của sự phú quý, giàu sang. Hoa đào đẹp đến vậy là phải cám ơn thân cây mẹ. Ai mà biết được trong cái lốt vỏ sần sùi cũ kĩ ấy lại mang một tình mẫu tử rất thiêng liêng và cao quý. Suốt ba mùa đông, thu, hạ, đào chắt chiu từng giọt nắng, từng hạt sương, từng chất dinh dưỡng từ lòng đất mẹ để ấp ủ cho một sức sống mãnh liệt khi mùa xuân về.

Không như hoa mai mang đến sắc vàng cho người phương Nam, hoa đào từ lâu đã là biểu tượng của cái Tết ở miền bắc. Màu sắc đỏ thắm của hoa đào đã tô điểm cho mùa xuân trên từng dãy phố, con đường, từng ngõ nhỏ làng quê; xua tan đi cái rét của miền Bắc và mang đến niềm vui, may mắn trong một năm mới an khang thịnh vượng. 

Bài văn tả cây cối 6
7

Bài văn tả cây cối 7

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Lỹ tre làng em

Đặc điểm nổi bật: Từ trên triền đê nhìn xuống, luỹ tre xanh um một màu. Tre là loài cây thân đốt, mọc thành bụi, thành lũy kiên cố. Cây tre to dùng để đan lát, làm hàng thủ công, làm nhà cửa, lều quán. Tre có gai làm hàng rào bảo vệ chắc chắn.

Cây tre là một loại cây được trồng phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt là các vùng nông thôn của Việt Nam. Như bao vùng quê khác, quê hương em trồng rất nhiều tre, hầu như mỗi nhà đều trồng trước cửa một khóm tre xanh.

Những khóm tre này lúc nào cũng tươi tốt, sống đoàn kết bên nhau và dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì những rặng tre này vẫn kiên cường, cùng nhau chống đỡ và phát triển. Trước cửa nhà em có trồng một khóm tre rất lớn, thân cây xanh mướt, thẳng tắp. Những cây tre này mọc rất cao, khoảng từ bốn đến năm mét, mỗi khi có gió lớn, những cây tre này lại đung đưa, nghiêng ngả theo gió. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài những cây tre có thể mềm yếu nhưng không dễ bị quật ngã chút nào, dù có gió bão, mưa dông lớn đến đâu thì chúng cũng kiên cường cùng nhau chống đỡ. Bão đi qua thì những cây tre này vẫn hiên ngang đứng thẳng tắp, như chưa hề trải qua sự tàn phá dữ dội nào vậy.

Những cây tre không mọc đơn lẻ như những loài cây khác, chúng thường mọc thành khóm, mỗi khóm có từ bảy đến mười cây tre, to nhỏ khác nhau. Cũng khóm tre này cũng liên tục phát triển, những cây tre nhỏ vẫn tiếp tục được mọc ra từ những cây măng, vì vậy mà mọi người có câu: “Tre già măng mọc”. Những cây tre rất vững chắc là bởi vì chúng mọc thành khóm, cũng bởi vì cấu tạo của thân tre. Thân tre được nối liền với nhau bởi những mắt tre, hay còn gọi là mấu tre. Những mấu này rất cứng, chúng hợp lại với thân tre, tạo ra sự mềm dẻo nhưng vô cùng vững chãi, mưa gió không thể quật đổ. Lá tre rất nhỏ và dài, thường mọc ra ở ngọn tre. Tre cũng có hoa nhưng rất khó để có thể nhìn thấy, phần vì tre ở trên cao, phần vì tre cũng rất hiếm khi ra hoa. Em chỉ nghe bà em kể lại, hoa tre có màu trắng và nở rất đẹp. Tre vô cùng gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, trong thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tre làm thành những chiếc chông, những chiếc gậy, cùng con người xông pha trận mạc. Trong truyền thuyết “Thánh Gióng”, khi xông pha chiến trận, khi đánh nhau với kẻ thù, Thánh Gióng đã dùng những cây tre ven đường, lũ giặc cũng vì vậy mà bị tiêu diệt hết. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tre vô cùng hữu ích với cuộc sống của con người. Tre dùng làm những chiếc rổ, chiếc rá. Tre làm thành những chiếc tăm, làm những chiếc gậy để gẩy rơm, thành những chiếc cọc vững chắc…

Như vậy, tre xanh không chỉ là một loài cây được trồng phổ biến ở các làng quê Việt Nam, mà tre tự bao giờ đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam, cứng cỏi kiên cường, dù có khó khăn, chông gai đến đâu cũng không làm khó được tre. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất thì những cây tre vẫn đoàn kết bên nhau và phát triển mạnh mẽ.

Bài văn tả cây cối 7
8

Bài văn tả cây cối 8

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây bưởi

Đặc điểm nổi bật: Lá bưởi non lớn bằng bàn tay, màu xanh dịu, đến già thì màu xanh đậm. Lúc bấy giờ bưởi cũng ra hoa. Hoa bưởi kết đầy cành, trông như hoa mù u có từng chùm nhỏ, đôi khi thấy hoa mà không thấy lá. Hoa nở màu trinh bạch, nhị vàng. Hương bưởi thơm dịu mà ngọt thoang thoảng khắp vườn.

Sau vườn nhà tôi có trồng một cây bưởi ổi. Cây bưởi này có trái cả ba mùa và năm nào cũng sai trái. Bưởi có nhiều giống: bưởi đỏ, bưởi sẻ, bưởi ổi, nhưng tôi thích giống bưởi ổi hơn cả.

Cây bưởi ổi thấp hơn các loại bưởi khác. Thân cây màu hơi mốc, xây bàn thang thành nhiều nhánh, các nhánh nhỏ đều có gai. Trời vừa đổ mưa là bưởi ra lá non. Lá bưởi non lớn bằng bàn tay, màu xanh dịu, đến già thì màu xanh đậm. Lúc bấy giờ bưởi cũng ra hoa. Hoa bưởi kết đầy cành, trông như hoa mù u có từng chùm nhỏ, đôi khi thấy hoa mà không thấy lá. Hoa nở màu trinh bạch, nhị vàng. Hương bưởi thơm dịu mà ngọt thoang thoảng khắp vườn. Không gì thích thú bằng một đêm trăng ngồi dưới gốc bưởi để thưởng thức mùi hương hoa êm dịu. Cành hoa bưởi đong đưa trước gió, vài cành hoa rung nhẹ bên hồ làm cho tôi có cái cảm giác như lạc vào cõi thẫn tiên nào. Bưởi kết trái vào khoảng tháng tư. Trái bưởi ổi tròn, trên đầu có núm trông như trái ổi lớn, vỏ bưởi xanh non. Đến khoảng tháng tám thì vỏ ửng vàng, bưởi sắp chín. Hoa bưởi là loại hoa có giá trị hoàn toàn.

Hoa rụng cánh để cho ta những trái bưởi ngon. Lột bưởi ra, tôi thấy có nhiều múi. Bưởi ổi ngọt lại không có chất the như các giống bưởi khác. Nhìn cánh hoa bưởi, tôi nhớ lại câu hát: Hoa lài, hoa lí, hoa ngâu, Không bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng.

Bài văn tả cây cối 8
9

Bài văn tả cây cối 9

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây bàng

Đặc điểm nổi bật: Mùi thơm của hoa bàng dịu nhẹ khiến cho ai ngửi được cũng cảm thấy thật dễ chịu. Đến cuối hè, những bông hoa nhỏ rụng đầy sân khiến sân trường giống như một tấm thảm trắng trông tuyệt đẹp.

Trên sân trường em trồng rất nhiều cây bóng mát nhưng gắn bó với chúng em nhất là cây bàng trước của lớp em. Đó là cây bàng do chính tay cô giáo em trồng khi cô còn là một học sinh của trường, cô đã kể cho chúng em rất nhiều kỉ niệm đẹp của cô với cây bàng và giờ đây cây bàng lại gắn bó với những ngày tháng chúng em đến trường.

Từ xa nhìn lại, cây bàng trông thật to lớn, xum xuê như một gã khổng lồ xanh với những cánh tay phủ đầy lá, bao trùm cả một khoảng trời mênh mông. Tán cây rộng lớn cứ đua ra lấn át khoảng trời che chở cho chúng em có thể thỏa thích nô đùa, vui chơi.Từ lúc cô em trồng cây, đến bây giờ cây đã có tuổi thọ là ba mươi năm. Rễ cây nổi lên khỏi mặt đất, ngoằn ngoèo, uốn lượn như những con rắn khổng lồ trườn dài dọa dẫm người qua lại. Thân cây rất to đến cả một vòng tay em ôm không xuể, nó lại xù xì, thô ráp, đôi chỗ còn có những phiến ẩm mốc xanh rêu hay trắng xóa hiện lên rõ nét. Từ thân cây phát triển ra nhiều cành, càng lên cao, cành cây lại càng chia nhiều nhánh nhỏ vươn ra khoảng không gian bao la như đang thi nhau xem ai vươn xa hơn. Lá cây to như cái quạt những khi nô đùa mệt, chúng em thường lấy những lá bàng rụng quạt cho nhau, gió lùa mát rượi. Lá to, lại mọc thành chùm vì vậy, cây bàng mới có thể che nắng, che mưa cho chúng em. Không như những loài hoa rực rỡ, nở thành đóa to khác, hoa bàng nhỏ li ti thành những ngôi sao màu trắng ngà êm ái, mang một mùi thơm dìu dịu khiến con người ta thấy thư thái nhẹ nhàng. Quả bàng có hình thoi, ở giữa phình ra như người mang bầu. Bàng có màu xanh, khi chín có màu vàng, ăn vào vị ngọt thơm, béo ngậy.

Sau những cơn mưa rào mùa hạ, chúng em thường nhặt bàng, rửa sạch và nhấm nháp vị ngọt ngạo nhỏ bé đọng lại đầu lưỡi. Tán bàng mát rười rượi vậy nên có nhiều chim chóc, ong bướm đến đây tụ hội tạo ra những tiếng hót lảnh lót như những bản đồng ca của muôn loài chim. Dưới tán cây ấy cũng là nơi chúng em cùng nhau vui chơi thỏa thích mà không bị nắng như nhảy dây, đá cầu, bịt mắt bắt dê…. Bóng bàng gắn với tuổi thơ tươi đẹp diệu kì và thật khó quên. Bàng được trồng ở rất nhiều trường học cũng bởi bóng râm mát mẻ mà cây mang tới có thể che nắng, che mưa, là địa điểm cho những em nhỏ được vui chơi, học tập. Em rất yêu quý cây bàng trước cửa lớp em.

Dù mai sau có rời xa mái trường tiểu học thân yêu này em vẫn sẽ nhớ mãi không quên dáng hình cây bàng quen thuộc cùng những kỉ niệm tuổi thơ dưới tán bàng mát mẻ. Cây bàng chính là nơi lưu giữ nhũn động lực, những mơ mộng, hồn nhiên của tuổi học trò chúng em.

Bài văn tả cây cối 9
10

Bài văn tả cây cối 10

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây cau

Đặc điểm nổi bật: Thân cau tròn với từng đốt cây mọc lên cao vút. Vỏ cây sần sùi, màu bạc phếch. Tàu cau xanh biếc, uốn cong như cánh tay khổng lồ dang ra đón gió. Đêm hè, được ngồi trên chiếc chõng tre, hít hà mùi hoa cau ngạt ngào thì thật là thích.

Trôi dạt về làng quê Việt Nam, ta như đến với bầu không khí thanh bình mà yên ả - nơi có những đồng lúa chín vàng ươm màu nắng, có rặng tre xanh tỏa mát bên bờ sông. Đặc biệt, khi luồn lách qua từng con xóm nhỏ, ta luôn có thể bắt gặp hình ảnh cây cau dọc hay bên đường. Nó giản dị, đơn sơ mà làm bao người phải nhớ mãi.

Chính vì cau có ở khắp làng quê nên giờ đây cau trở thành loài cây thân thuộc với đời sống người dân Việt Nam. Là đứa con của người dân Việt Nam, không ai là không biết cau đã xuất hiện từ rất lâu đời. Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng cây cau xuất hiện là từ “Sự tích trầu cau” - một câu chuyện sâu sắc mà đầy tình cảm vì từ xưa, người dân Việt Nam luôn tin vào những câu chuyện huyền thoại. Nhưng thực ra cau có tên khoa học là Areca Catechu mà người ta gọi là tân lang hay binh lang. Cau được trồng nhiều ở các nước Thái Bình Dương và một số nước khác ở phía Đông châu Phi. Cây cau thuộc loài cây thân gỗ, cứng. Chính vì vậy, ở làng quê Việt Nam, cau có mặt rộng rãi ở mọi nơi. Khác với các loài cây dân dã khác, cau có những đặc điểm rất nổi bật. Thân cây cao, khoảng chừng 12 – 15 mét với đường kính ước lượng từ 20 đến 30 cm. Không giống như dừa, cau có thân thon hơn, hình trụ tròn mọc thẳng đuột đến tận mây. Thân cau không hoàn toàn nhẵn bóng mà nó khoác trên mình chiếc áo xù xì, bạc phết ở phần gốc, xanh thẳm ở phần giữa và xanh non ở phần ngọn. Phía bên ngoài, thân cau được tạo bởi những chiếc nịt vòng tròn, thô nhám mà người ta gọi đó là khấc cau.

Mỗi thân cau cũng phải có đến vài chục khấc như thế. Nhìn vào khấc thì người ta có thể biết được độ tuổi của cau, Chính những chiếc khấc ấy lại là dấu tích còn lại của những bẹ lá cau đã bức mình khỏi thân. Đặc điểm để nhận biết cau dễ nhất đó là cây cau không bao giờ phân nhánh. Lên đến gần ngọn thì cây cau mới bắt đầu toả ra. Lá cau có màu xanh, mỗi lá cau được nối từ bẹ cau, ôm chặt lấy nhau và đối xứng ở quanh ngọn. Mỗi tàu lá cau dài từ 1.5 đến 1.7 mét, hình lông chim, có một sóng giữa và có lá chét mọc dài ở hai bên. Vào những đêm trăng rằm, cau lại ưỡn mình dưới ánh trăng mà soi bóng xuống mặt đất. Hầu như mỗi cây cau đều cho ta rất nhiều buồng. Mỗi buồng cau được bao bọc bởi một lớp nang và ẩn mình trong bẹ cau. Buồng cau khi trổ có màu trắng nhạt với những đốm nhỏ li ti mang hình vỏ trấu. Hương hoa cau có mùi thơm ngan ngát được gió mang theo tỏa ra khắp vườn. Để rồi lại có câu hát: “Hoa cau rụng trắng sân nhà em mà hương cau thơm ngát quanh vườn trầu” Mỗi buồng cau cho ra hàng trăm quả cau. Còn non thì quả có màu xanh ánh vàng nhưng khi đã trưởng thành và già thì kích thước của quả cau bằng cỡ quả trứng gà, xanh đậm hơn. Quả cau có hình nón, đáy phẳng, bên trong cau có hạt màu nâu lốm đốm. Rễ cau thuộc loại rễ chùm, ăn sâu vào lòng đất đến vài chục mét, có khi nhô lên mặt đất ngoằn ngoèo như những con rắn. Cau có khả năng tăng trưởng rất nhanh và rất dễ sinh sống ở mọi nơi trên nước ta. Thường thì người ta phải chăm sóc đến vài năm cau mới ra quả và cho trái được. Càng lớn, càng lên cao thì cau càng cho quả ít hơn vì có lẽ lúc đó cau đã già rồi. Cau được chia ra nhiều loại nhưng thường thì ta chỉ biết đến cau kiểng và cau trồng vườn. Cau kiểng là cau dùng để làm cảnh, có thân thấp hơn và hoa cau thì không thơm. Quả cau cũng vậy, nhỏ hơn hoặc chỉ bằng hạt mít mà thôi. Khi chín thì có màu đỏ và được người ta dùng để làm thuốc. Ngoài ra còn có cau lửa, vỏ vàng, tròn và còn có quả cau vú heo thì nhỏ hơn nữa. Đối với người dân Việt Nam thì quả cau là một món ăn quen thuộc. Nó có vị hăng và thường được bổ ra ăn kèm với trầu, vôi tạo nên cảm giác sảng khoái cho người ăn. Nhưng cũng có thể gây say cho những ai mới ăn lần đầu. Trong quả cau có chứa hoạt chất arcsin - một loại có thể dùng để tẩy giun và chữa bệnh cho ngựa mà người Ấn Độ vẫn thường dùng. Ngoài ra thân cau còn có thể dùng làm chiếc cầu khỉ để bắt ngang qua những con sông nhỏ.

Tàu lá cau khi khô cũng có thể dùng để làm chổi cau quét rác rất thuận lợi. Ngày xưa, với người dân cau còn có thể dùng làm thuốc để nhuộm răng. Đặc biệt trầu cùng với cau chiếm một vị trí quan trọng trong văn hoá của người Việt Nam. Đó là những thứ không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội của người Việt. Dường như từ lâu đời cau đã gắn liền với văn hóa tâm linh của người Việt. Chẳng những thế, cau còn có mặt trong các ngày xin tên hay cái giỗ kỵ ở mỗi gia đình. Chính vì ai cũng nghĩ cây cau là bước ra từ sự tích trầu cau nên chính cau cũng là mối xe duyên cho nhiều chàng trai, cô gái.

Cau luôn có mặt ở những lễ cưới, lễ hỏi vì nó là tượng trưng cho tình cảm vợ chồng. Trong giao tiếp, cau cũng đóng vai trò hết sức cần thiết mà người ta nói là “Miếng trầu là đầu câu chuyện” mà trầu thì chẳng thể nào thiếu cau được. Chính vì vậy, cau đã góp phần làm nên mỹ tục đẹp cho người Việt, làm nên cảnh quan thanh bình ở chốn làng quê.

Bài văn tả cây cối 10
11

Bài văn tả cây cối 11

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây lựu

Đặc điểm nổi bật: Cây lựu đó cao khoảng gần 2m, khá là to. Thân cây to, rắn chắc, có khi nó phải to như cái bắp chân của ông. Bề mặt thân cây lồi lõm và thô ráp, có màu nâu xám xịt.

Ông của em là bộ đội về hưu. Đam mê lớn nhất của ông chính là trồng cây, chăm sóc vườn tược. Vì thế, khu vườn của ông có rất nhiều cây trái xanh tốt. Trong đó, em thích nhất là cây lựu đỏ ở góc vườn.

Cây lựu đó cao khoảng gần 2m, khá là to. Thân cây to, rắn chắc, có khi nó phải to như cái bắp chân của ông. Bề mặt thân cây lồi lõm và thô ráp, có màu nâu xám xịt. Trông thân cây có vẻ không quá lớn, nhưng nó vẫn có thể thoải mái mà chống đỡ cả một tán lá lớn ở phía trên. Cây lựu của ông đặc biệt có rất nhiều cành, nhiều nhánh. Các cành đó không quá to, thường chỉ to cỡ hai ngón tay hoặc bé hơn mà thôi. Nhưng vì số lượng đông đảo, nên chúng vẫn tạo ra cả một vòm lá khổng lồ, không thua kém gì các cây trồng khác trong vườn. Lá lự khá nhỏ, chỉ độ như cái thìa, màu xanh sẫm, hơi cong vào bên trong.

Chúng mọc khá dày trên các nhánh lá, tạo thành cái đèn chùm xanh biếc trong góc vườn. Thời điểm cây lựu ra hoa kết trái thường không quá rõ ràng. Tùy vào thời tiết và chất dinh dưỡng đã được hấp thu, cây có thể ra hoa vào màu xuân hoặc mùa hạ. Đặc biệt, nó có thể ra hoa nhiều lần trong khoảng thời gian này, chứ không phải chỉ một lần duy nhất. Sau khi hoa lựu nở, tầm mười ngày sẽ kết trái. Hình dáng trái lựu giống như một cái lồng đèn, với phần quả tròn xoe ở trên và phần đuôi ở phía dưới. Lúc nhỏ, toàn bộ quả có màu xanh, phần đuôi và quả to như nhau. Nhưng khoảng hơn một tháng sau, khi quả đã trưởng thành và chín, thì sẽ chuyển sang màu đỏ rực, to như nắm tay của ông và cái đuôi co lại nhỏ xíu. Bên trong quả lựu lúc ấy cũng là một màu đỏ rực của thịt quả. Thịt quả lựu chia thành nhiều hạt nhỏ như hạt đậu nành, ngọt dịu và mọng nước.

Chúng kết thành từng mảng lớn, giữa các mảng sẽ được ngăn cách với nhau bởi tấm màn mỏng màu trắng. Để có được những trái lựu ngon như vậy, ông em đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc cho cây lựu. Và bản thân cây cũng đã nỗ lực rất nhiều. Em sẽ cố gắng học ông cách chăm sóc cây, để có thể tự mình chăm cây thật tốt.

Bài văn tả cây cối 11
12

Bài văn tả cây cối 12

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây chuối tiêu

Đặc điểm nổi bật: Mỗi lần đến mùa sinh nở, từ thân mình đó lại trổ ra chiếc hoa chuối nho nhỏ, xinh xắn, đỏ rực như đốm lửa hồng, trong đó chứa gần chục nải, trong chục nải đó là hàng chục quả chuối xanh nhỏ li ti – đấy chính là lũ chuối con.

Cứ mỗi độ hè sang, những cây chuối sau vườn nhà em trổ buồng trĩu nặng. Em thích làm sao cây chuối già ba em trồng năm trước.

Năm nay, nó đã “sinh” được ba cây chuối con “bụ mẫm” thật dễ thương. Chuối con khỏe khoắn, bấu víu vào những vùng đất xốp quang chân mẹ. Lá chúng xanh non mơn mởn, cuộn tròn như những chiếc loa kèn của chúng em. Chuối mẹ cao lớn nhưng không còn xanh tốt như xưa. Thay vào những tàu lá xanh tươi là những tàu lá khô héo, già cỗi, rạn nứt, nham nhám, một số thì đu đưa bị gió đành rách tả tơi. Nhưng nó cố dồn sức để nuôi lớn buồng chuối sai oằn. Dường như nó không đứng vững nổi trước độ dài lê thê của buồng, nó nghiêng về một phía. Mặt khác chuối mẹ phải che chở cho đàn con. Cho nên bao nhiêu nhựa sống nó đã nhường tất cả, cho đàn con lớn lên. Chuối mẹ như sẵn sàng chịu chết để con mình được xanh tốt, để cho buồng chuối to và lớn.

Đó là hình ảnh của người mẹ thật đáng thương, thật đáng kính trọng. Thân chuối mẹ mát rượi, bóng mượt, màu tim tím thật đẹp mắt. Trên đọt là một tàu lá nho nhỏ nằm kề trên cuống của buồng chuối. Buồng chuối hay hay làm sao đấy. Nải chuối chen chúc lớp này đến lớp kia.Những nải đầu no tròn, căng bóng rất sai. Những nải sau nhỏ và ít dần, trái chuối áp sát vào nhau màu xanh thẫm xen lẫn những đốm hạt li ti đen nháy. Hàng ngày em vẫn thường chăm sóc nó, mong sao được ăn những quả chuối chín vàng, thơm phức và ngọt lịm. Quả chuối ngày một to lớn dần và chẳng bao lâu đã chín rộ. Ôi! Thật sung sướng biết bao! Vài chú chim đi kiếm mồi khi nghe hương vị chuối phảng phất cũng ghé vui hót nhộn nhịp. Mấy con bâu quanh buồng chuối nhảy nhảy, tìm tìm, lúc la lúc lắc cái đầu tỏ vẻ đòi ăn. Toàn khu vườn nồng nồng mùi chuối chín. Em biết chỉ lát nữa thôi là chuối mẹ phải xa lìa đàn con, toàn thân bây giờ như đã kiệt sức với ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè. Gia đình em luôn được thưởng thức hương vị ngọt ngào ấy. Ngày nay chuối mẹ héo đi ngày sau những cây chuối non sẽ lớn lên xanh tốt cho nhiều chuối hơn nữa.

Em rất quý chuối vì nó có nhiều công dụng. Thân chuối khi băm nhỏ cho lợn, bò ăn thi con nào cũng thích. Củ chuối ăn bùi bùi ngọt ngọt rất ngon, mẹ em hay dùng lá chuối để gói bánh trong những dịp lễ lạt. Còn bon em thì mỗi đứa một miếng lá xanh rồi dùng một cây nhọ để làm trò "dạy học”, những đương nét in trên tấm lá thật rõ. Ôi! Thú vị làm sao đấy.

Bài văn tả cây cối 12
13

Bài văn tả cây cối 13

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây đa cổ thụ

Đặc điểm nổi bật: Thân màu nâu sẫm, da sần sùi có nhiều khối u to trong như những vết thẹo. Những chiếc rễ đa to, nổi trên mặt đất trông như những chú rắn khổng lồ trườn mình hút chất dinh dưỡng nuôi cây. 

Khi đến làng em ai ai cũng phải thật ấn tượng với cây đa từ đầu làng. Cây đa hàng trăm năm tuổi. Cây đa to xòe tán thật là rộng biết bao nhiêu. Thân cây đa cũng thật là lớn và những cái rễ cây cũng như nổi lên trông giống như những con trăn khổng lồ vậy.

Thế rồi cũng thật dễ nhận thấy được ở xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi hơn nữa. Nếu như quan sát kỹ thì cũng có thể nhận ra được ở cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng. Cây đa cổ thụ ở làng em nó như cứ sừng sững in trên nền trời xanh biếc mênh mông vậy. Cây đa to lắm, bóng của cây đa che mát một khoảng đất rộng. Có lẽ vì tán cây rộng cho nên chim chóc ở đâu kéo về làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít nghe rất vui tai. Nếu các bác nông dân mà có đi ở đồng về hay học sinh chúng em mà đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân và có thể uống một bát nước chè xanh hãm đặc của cô Hoa thì thật tuyệt vời. Thế rồi ở dưới gốc đa cổ thụ thì em lại được tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi. Quả thật là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều như đã biến mất. Tuổi thơ chúng em dường như cũng đã gắn liền với cây đa. Đáng chú ý đó chính là chiếc lá đa to, dày và xanh bóng đêm cuộn tròn lại. Lũ trẻ cũng đã khéo léo nhanh tay xé hai bên mép lá làm sừng. Thế rồi em cũng đã tìm và buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong chiếc lá đã cuộn tròn lại trước đó. Sau đó cũng khe khẽ kéo sợi dây. Và cuối cùng thế là đã có một "con trâu lá đa" đẹp mắt cho lũ trẻ chúng em chơi rồi. Nhìn con nghé bằng lá đa cũng có được một cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên.

Thế rồi ta như thấy được đó như có nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ mà chúng em tạo ra từ chiếc lá đa như cứ nằm quây quần bên nhau thành bầy nhìn thật thích. Chiều hè đến trong cái nóng “như đổ lửa” thì chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Dưới gốc đa có bóng râm thật rộng như đã giúp cho chúng em có được những cơn gió mát lành thổi. Chúng em đều yêu cây đa làng và thỉnh thoảng chúng em còn lấy nước ở dưới sông để tưới cho cây thêm tốt tươi nữa.

Bài văn tả cây cối 13
14

Bài văn tả cây cối 14

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây mít

Đặc điểm nổi bật: Những hột mít nâu, óng có thể luộc lên ăn rất là ngon. Mùi mít vào mùa thơm ngon, lan tỏa cả khu vườn. Em rất thích được chơi cùng các bạn dưới tán cây mỗi mùa hè nắng, được cùng bố hái từng quả mít trên cây xuống cùng nhau thưởng thức.

Trong vườn nhà em có rất nhiều loại cây ăn quả, nào là xoài, bưởi, na…Cây nào cũng tốt và cho rất nhiều quả. Trong tất cả các loại cây, em thích nhất cây mít vì em thích ăn quả mít nhất.

Cây mít nhà em rất to, vì đã được trồng từ rất lâu rồi. Khi em lớn lên thì cây mít trước sân đã to như vậy và hàng năm cho rất nhiều quả. Nghe bà em kể lại thì cây mít đó không do ai trồng mà là tự mọc, vì gần giếng ẩm ướt nên rất phát triển, thấy vậy bà em chăm sóc và lớn lên to như bây giờ. Thân cây to, một mình em dang tay ôm cũng không thể hết được. Vỏ cây không được nhẵn mà sần sùi, thậm chí có cả rêu mọc, chính vì vậy sau mỗi cơn mưa cây mít rất trơn không thể nào trèo lên được. Cây mít nhà em chia thành hai nhánh lớn, mỗi nhánh lại phát triển thêm một vài cành con, lá mít có màu xanh, những lá già và chuẩn bị rụng thì có màu vàng, chúng em hay nhặt lá mít làm tiền để chơi trò chơi, các cụ ở đình chùa thì hay lấy lá mí đóng những ông oản làm từ gạo nếp để phát lộc cho những ai ra chùa làm lễ, em nghe bà em kể, những đứa trẻ nào chậm biết nói, có thể lấy những lá mít này đập nhẹ vào miệng ba cái thì sẽ nhanh biết nói hơn, thật là kì diệu. Những cành và lá mít còn xanh và non khi bị bẻ gẫy sẽ có nhựa, nhựa này màu trắng và rất dính. Đến mùa, mít bắt đầu là hoa, hoa mít rất đặc biệt chúng em hay lấy những cánh rụng xuống thả vào chậu nước làm thuyền vì hoa những cánh hoa mít rất giống chiếc thuyền. Hoa kết thành quả, quả mít non ăn với muối rất non, chúng em hay hái trộm, và hay bị bà mắng những lúc bị phát hiện. Khi mít chín mùi thơm lan tỏa mọi nơi. Bên ngoài vỏ sần sùi và nhiều gai nhưng bên trong thì thật tuyệt.

Mặc dù mít chín vào mùa hè và ăn mít rất nóng nhưng em vẫn thích ăn, những múi mít vàng ươm, thơm lừng, mít có thể ăn ngay, để tủ lạnh hoặc chế biến thành mít sấy rất ngon. Cây mít đã gắn bó rất lâu với gia đình em, mang đến cho mọi người những quả mít ngon tuyệt mùi thơm lan tỏa khắp xóm làng.

Bài văn tả cây cối 14
15

Bài văn tả cây cối 15

28/12/2021

 Chỉnh sửa

Tên bài văn: Cây gạo

Đặc điểm nổi bật: Nụ gạo to bằng cái chén uống rượu của các cụ, màu đỏ nâu, đỏ sẫm. Nụ hoa có cái cuống to bằng chiếc đũa, dài độ đốt ngón tay. Hoa gạo nở xoè to hơn cái chén tống, có nhiều cánh, màu đỏ hồng, đỏ tươi.

Bốn phía ở làng quê em đều trồng nhiều cây gạo. Cây gạo như thật quen thuộc với tất cả người dân làng em và đặc biệt với lũ trẻ chúng em thường thường hay tụ tập để có thể chơi đùa dưới tán lá râm mát của cây.

Cây gạo như lag một người bạn thân với mỗi người dân quê em. Lá của cây gạo to xoè ra bằng bàn tay người lớn, màu xanh nhạt và khi lá đã già thì lại chuyển sang màu vàng. Thế rồi em như thấy được thân cây gạo to bằng cột đình làng, thân cây nó cũng như đã cao thẳng đuột. Thế rồi em như cũng thấy được những cành chĩa ra bốn phía như những cánh tay dũng sĩ. Cứ đến mỗi dịp Tết đến làng lại hân hoan mở Tết trồng cây năm nào cũng vậy, các cụ già làng em lại ra vun gốc và tưới phân cho các cây gạo thêm xanh tốt nữa.

Cây hoa gạo đẹp nhất bởi tháng ba, tháng ba, gạo ra hoa. Quan sát thấy được rằng, chính nụ gạo to bằng cái chén uống rượu của các cụ, và nụ gạo lại có màu đỏ nâu, đỏ sẫm. Dễ nhận thấy được rằng, chính nụ hoa có cái cuống to bằng chiếc đũa, và hơn hết em dường như cũng đã thấy được rằng cuống như cũng có độ dài độ đốt ngón tay. Hoa gạo dường như cũng đã nở xoè to hơn cái chén tống, có nhiều cánh, màu đỏ hồng, đỏ tươi nhìn thật đẹp biết bao nhiêu. Thế rồi cho đến tháng tư, trong nắng hè chói chang, và em như thấy được chính cây gạo làng em nở hoa như thắp muôn nghìn ngọn lửa cháy rừng rực giữa trời xanh. Vào những buổi sớm sớm, chiều chiều thì ở cây gạo lại như đã có hàng trăm con chim kéo đến. Có thể kể ra có các loài chim đó chính là chim cu gáy, chim sáo sậu, sáo đen, chim sâu, chim vành khuyên, chim quạ,..

Chúng cứ như hót líu lo, chúng chuyện trò râm ran, chúng bay lượn. Tưởng như bầy chim trời kéo về dự hội hoa gạo vậy. Khi mà hoa gạo nở hoa rồi kết thành trái. Cho đên vào cuối tháng sáu, đầu tháng bảy, trái gạo dường như cũng đã chín nở xoè ra nhiều múi. Bông gạo như thật là trắng tinh mang theo hạt gạo. Nó dường như cũng đã được những cơn gió đưa đi khắp mọi chân trời. Cây gạo chính là một trong những vẻ đẹp bình dị và gần gũi của quê em. Năm nay, gạo nở hoa đỏ rực, báo tin một vụ chiêm bội thu cho cả làng em và ai ai cũng yêu quý cây gạo.

Bài văn tả cây cối 15

Trên đây là tổng hợp 15 bài văn tả về cây cối hay nhất mà chúng tôi đã sưu tầm được. Loài cây quanh ta thât phong phú, đa dạng nhưng không ngờ dưới ngòi bút sắc sảo của các bạn học sinh những loài cây ấy lại đẹp đẽ, nên thơ, đáng yêu và có nhiều ý nghĩa như vậy. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em bổ túc thêm vốn ngôn từ cho mình để ngày càng học tốt môn văn hơn nhé! 

Đánh giá:

Bình luận

Vui lòng đăng nhập để bình luận.

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Báo lỗi

Nội dung báo lỗi là bắt buộc!

Thông báo