Top 15 món bánh ngon dễ làm tại nhà chất lượng đảm bảo lại an toàn, vệ sinh

5.0  (1 bình chọn)
 5,226

Bạn muốn làm các loại bánh ngon cho gia đình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn băn khoăn không biết làm bánh tại nhà có phức tạp, cần nhiều nguyên liệu và dụng cụ hay không? Vậy hãy tham khảo ngay top 15 món bánh ngon dễ làm tại nhà ngay dưới đây để cùng gia đình thưởng thức mỗi ngày nhé!

1

Bánh khoai

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Khoai lang là một trong những thực phẩm chứa nhiều vitamin tốt cho cơ thể và đặc biệt cho những ai đang làm giảm cân. Một trong những món ăn vặt bạn có thể chế biến từ khoai lang đó là bánh khoai.

Nguyên liệu: 

  • Khoai lang 500g ( khoảng 3, 4 củ to, chọn củ khoai còn cứng, tươi, vỏ không có lỗ đen không bị thâm, dập hay bị nứt).
  • 100g bột mì
  • 50g bột chiên giòn
  • 100g đường
  • 1 túi sữa tươi
  • Bột canh, dầu ăn
  • 30ml Nước cốt dừa

Điểm nổi bật nhất của món ăn: bánh khoai lang sợi giòn rụm, thơm béo của sữa và nước cốt dừa.

Cách làm bánh khoai lang tại nhà:

- Bước 1 (sơ chế nguyên liệu): Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, thái sợi chỉ, ngâm vào một chậu nước muối lạnh pha loãng để khoai không bị thâm và có độ giòn hơn khi rán. Ngâm khoai trong nước muối loãng khoảng 20 phút sau đó vớt ra rổ, để ráo nước.

- Bước 2: Đổ bột chiên, bột mỳ vào một bát lớn, trộn đều cho thêm đường và 1 thìa cà phê muối, 1 túi sữa tươi, 30ml nước cốt dừa sau đó đảo đều. Tiếp đến bạn cho thêm nước vào, vừa cho vừa quấy đều tay, đánh bột tan đều tới khi quấy bột nhẹ tay thì dừng lại. (Chú ý cho một lượng nước vừa đủ sao cho hỗn hợp thu được không quá đặc, không quá loãng).

- Bước 3: Cho khoai đã thái vào bột vừa pha vừa trộn đều.

- Bước 4: Đặt chảo sâu lòng lên bếp đổ dầu ăn vào đun nóng già, múc hỗn hợp khoai +bột cho vào chảo chiên vàng đều hai mặt. Đun nhỏ lửa để bánh chín đều không bị cháy. Bánh chín vớt vào rổ có giấy thấm dầu để hút bớt dầu trong bánh.

Chỉ vài bước đơn giản, bạn đã có ngay một đĩa bánh khoai lang rán vàng giòn rụm. Bạn có thể thưởng thức bánh khoai lang với tương ớt.

Bánh khoai

2

Bánh chuối chiên

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Chuối là một thực phẩm rất quen thuộc với mọi người trong chúng ta, nó được trồng ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Nhiều người thích chuối không chỉ vì vị ngon ngọt của nó mà còn vì những điều tuyệt vời đến từ công dụng của chuối. 

Chuối được chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc trong đó có bánh chuối chiên giòn. Đây sẽ là một món ăn vặt hấp dẫn cho cả gia đình trong những buổi chiều đấy.

Nguyên liệu:

  • Chuối sứ (10 trái)
  • Bột gạo
  • Bột mì (100 gram)
  • Nước cốt dừa (250 ml)
  • Nước lạnh (150 ml)
  • Nước cốt chanh (1 thìa)
  • Muối (1/2 thìa)
  • Đường (1/3 thìa)

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Các nguyên liệu hòa quyền với nhau, rán giòn lên với màu vàng tươi hấp dẫn, giòn tan

Cách làm bánh chuối chiên khá đơn giản:

- Bước 1. Chế biến nguyên liệu.

Lột vỏ chuối rồi cắt chuối thành các khúc dài khoảng 10 cm. Cho chuối vào bát rồi bọc lại bằng màng thực phẩm.

Lưu ý: Đối với món chuối chiên giòn lâu được làm theo cách này, bạn hãy sử dụng chuối chín để khi chiên bánh sẽ ngon, ngọt tự nhiên mà không có vị chua, chát khi dùng chuối xanh.

- Bước 2. Chế biến.

Cho nước, 1/3 thìa đườg, 1 thìa nước cốt chanh, 250 ml nước cốt dừa và 150 ml nước lạnh. Dùng đũa khuấy đều để hỗn hợp hòa tan.

Cho bột gạo và bột mì vào cùng 1 bát, trộn đều. Đổ từ từ hỗn hợp vừa pha vào bát bột rồi khuấy nhẹ cho đến khi bột không còn vón cục nữa. Bọc bát bột lại bằng màng thực phẩm khoảng 30 phút. Sau đó nhùng chuối vào để tạo thành lớp áo bánh bên ngoài cho chuối. Nhùng từ 2 – 3 lần để lớp áo chuối được dày,bánh chuối sau khi làm xong sẽ ngon hơn.

Lưu ý: Dùng nước cốt chanh không chỉ giúp bánh chuối chiên giòn lâu hơn mà còn giúp bánh không bị chua, ăn ngon hơn.

- Bước 3. Chiên bánh.

Cho dầu ăn vào chảo chống dính sao cho dầu ngập 1/3 chảo. Đun đến khi dầu già thì cho bánh vào chảo rồi chiên cho đến khi bánh chín.

Bạn cho từng miếng bánh vào chảo dầu sao cho dầu không bị bắn ra ngoài. Bạn không nên cho hết bánh vào chảo vì khi đó bánh sẽ dính vào nhàu và sau khi chiên xong, bánh sẽ nhìn không được đẹp mắt. Ngoài ra, trong quá trình nấu, bạn dùng đũa lặt từng miếng bánh để bảnh chín đều 2 mặt.

- Bước 4. Thưởng thức.

Khi chiên xong, cho bánh vào đĩa rồi thưởng thức bánh với tương ớt.

Bánh chuối chiên
3

Bánh bao nhân thịt

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Đối với người Việt chúng ta, bánh bao được dùng thay thế cho bất kỳ bữa ăn nào như: bữa sáng, bữa xế hoặc lúc đói bụng. Làm bánh bao nhân thịt tại nhà sẽ đảm bảo vệ sinh và tiện lợi hơn vì bạn sẽ không phải chạy ra ngoài mua bánh bao mỗi sáng nữa.

Nguyên liệu:

Làm vỏ bánh:

  • Bột mì đa dụng: 1 kg
  • Sữa tươi không đường: 550 ml
  • Men nở instant: 14 gr
  • Bột nở: 16 gr
  • Trứng gà
  • Vani: 8 gr
  • Nước ấm
  • Dầu ăn

Làm nhân bánh:

  • Thịt nạc vai: 800 gr
  • Hành tím: 100 gr
  • Hành tây: 200 gr
  • Trứng gà/trứng cút
  • Miến: 30 gr
  • Nấm mèo: 30 gr
  • Nấm hương khô: 20 gr
  • Hành lá: 2 cây
  • Dầu ăn: 30 gr
  • Nước mắm: 3 muỗng canh
  • Bột nêm: 1 muỗng cà phê
  • Dầu hào: 1 muỗng cà phê
  • Muối: 1 ít

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Vỏ bánh bao mềm, mịn màng bông xốp và có vị ngọt dịu. Nhân thịt chín đều thơm ngon đậm đà

Cách làm bánh bao nhân thịt:

- Bước 1. Ủ bột làm bánh bao

Trước tiên, bạn cần chuẩn bị phần men nở. Hòa tan 1 thìa đường với nước ấm, cho men và 550ml sữa tươi vào khuấy nhẹ, để nghỉ khoảng 20 phút.

Tiếp theo, bột mì 1kg trộn đều với men nở đã ủ, thêm hai muỗng canh đường, một chút muối và đừng quên thêm lòng trắng của một quả trứng gà cho vào rồi trộn đều tất cả lên.

Bạn nhào bột đến khi nào thấy thật mịn thì vê tròn lại, bôi chút dầu để chống dính rồi ủ trong khoảng 3 giờ để bột nở ra gấp đôi.

- Bước 2. Làm nhân bánh bao

Trong thời gian chờ ủ bột, tôi sẽ chia sẻ đến bạn phần làm nhân bánh.

Đầu tiên, đem trứng vịt hoặc trứng cút (này bạn chọn theo sở thở của mình nhé) luộc chín và bóc sạch vỏ.

Cho miến ngâm trong nước ấm từ 5 - 7 phút rồi cắt khúc 5cm. Tương tự,nấm mèo và nấm hương ngâm đến khi nở mềm, rửa sạch lại rồi cắt sợi nhỏ.

Phần thịt, thì bạn đem rửa sạch, rồi băm hoặc xây nhuyễn ra. Cho thịt xay nhuyễn vào tô, rồi trộn đều với các nguyên liệu: nấm hương, nấm mèo, miến cắt sợi, hành tây, hành tím, hành lá, 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê bột nêm, 1 muỗng cà phê dầu hào.

Tiếp theo, nặn nhân bánh. Bạn lấy một phần thịt rồi dùng tay ép thành mặt phẳng và cho trứng vịt/trứng cút vào giữa rồi viên tròn lại. Chú ý, trong quá trình viên bạn nên viên làm sao cho thịt được bao quanh đều trứng và trứng không bị lộ ra ngoài.

Nếu như chọn nhân bánh là trứng vịt thì bạn nên chia làm ba hoặc làm tư, còn trứng cút bạn có thể cho 1-2 quả trứng vào nhân bánh.

- Bước 3. Tạo hình bánh bao

Sau khi, bột đã ủ đủ thời gian, bạn nhào thêm 5 phút để bột được mềm xốp hơn.

Và tiến hành chia bột thành những phần nhỏ đều nhau để chuẩn bị kho khâu nặn bánh.

Sau khi đã chia đều từng phần vỏ bánh, bạn tiến hành vê tròn rồi cán mỏng viên bột với phần rìa mỏng hơn phần giữa. Quá trình này sẽ giúp thao tác dễ hơn khi gói bánh với nhân và trách bị rách vỏ.

Tiếp theo, bạn cho viên nhân thịt vào giữa rồi túm mép bột lại.

Nhưng nếu bạn là người mới và chưa nặn được bánh bao thì bạn có thể dùng khuôn nhé. Khi có khuôn, bạn chỉ cần nặn bánh thành hình tròn rồi cho vào khuôn ép lại là được một chiếc bánh bao xinh rồi đấy.

- Bước 4. Hấp bánh bao

Đến đây, bạn đã hoàn thành khâu nặn bánh rồi đấy, chúng ta sẽ chuyển đến giai đoạn cuối đó chính là: hấp bánh.

Bạn tiến hành xếp hết bánh bao vào xửng hấp và đừng quên lót dưới từng chiếc bánh một mẩu giấy nến và ủ thêm 10 phút.

Trong lúc này, bạn cho nước vào nồi của xửng hấp và đun nước thật sôi. Nước sôi thì bạn cho bánh vào hấp trong 20 phút. Trong suốt quá trình hấp chúng ta sẽ để lửa lớn.

Cuối cùng, bánh chín và thưởng thức thành quả của bạn cùng gia đình nào.

- Bước 5. Trình bày và thưởng thức

Với công thức làm bánh bao nhân thịt cùng miến bạn sẽ có được một mẻ bánh trắng nõn thơm, nở đều, xốp.

Khi thưởng thức bánh thì vỏ ngọt nhẹ xốp và đặc biệt không bị khô. Nhân dai ngon, trứng bọc bên trong chín đều.

Bánh bao nhân thịt
4

Bánh gối

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh gối là thức quà đặc sản của mùa đông Hà Nội mà ai đã từng ghé qua Thủ đô cũng nhất định nên thử một lần. Bánh gối đặt tên theo hình dạng bánh bán nguyệt, phồng lên ở giữa như chiếc gối.

Nó còn có tên khác là bánh thừng, bánh xếp, bánh quai vạc. Ở mỗi vùng miền, cách làm, cách thưởng thức lại có đôi chút khác biệt.

Nguyên liệu:

Vỏ bánh:

  • 225gr bột mì
  • 25gr bột bắp
  • Bột nghệ
  • 1 quả trứng gà
  • 60ml sữa tươi
  • Bơ lạt
  • Gia vị: Dầu ăn, đường, muối

Nhân bánh:

  • 250gr thịt băm
  • 7 quả trứng cút
  • Hành tây, cà rốt, củ đậu, hành lá, hành tím, mộc nhĩ, miến dong
  • Gia vị: Dầu mè, đường, muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, dầu hào

Nước chấm

  • Tỏi băm, ớt
  • Gia vị: Đường, nước mắm, giấm

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Vỏ bánh được làm chủ yếu từ bột mì, ăn giòn tan. Nhân bánh thường làm từ thịt lợn băm và một số loại rau củ. Bánh ăn nóng cùng với rau sống, dưa góp và nước chấm chua ngọt.

Cách làm món bánh gối nhân thịt:

- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Trứng cút mua về thì bạn luộc khoảng 5 phút thì vớt ra và lột vỏ. Còn mộc nhĩ, cà rốt, củ đậu thì rửa sạch, cắt nhỏ vừa ăn

Với miến dong ngâm khoảng 3 phút cắt thành khúc khoảng 2cm, còn hành lá, ớt, hành tây và hành tím thì bạn băm nhỏ.

- Bước 2: Làm vỏ bánh

Đầu tiên, bạn cho lần lượt vào tô 225gr bột mì, 25gr bột bắp, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê bột nghệ rồi trộn đều bột.

Tiếp đến, bạn cho hỗn hợp nước gồm 60ml sữa tươi, 1 quả trứng gà, 1 muỗng canh bơ và 1 muỗng canh dầu ăn cho vào bột.

Sau đó, bạn bắt đầu nhào bột khoảng 10 phút đến khi bột mịn và không dính tay là đạt chuẩn. Cuối cùng bạn để bột nghỉ từ 20 - 30 phút.

- Bước 3: Xào nhân bánh

Bạn cho 1 muỗng canh dầu ăn cho vào chảo phi thơm cùng đầu hành, hành tím băm. Tiếp đến, bạn cho lần lượt thịt băm, mộc nhĩ, củ đậu, hành tây, cà rốt, miến dong đã cắt vào xào với lửa vừa.

Xào khoảng 2 phút thì bạn thêm vào 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu và 2 muỗng cà phê dầu hào. Cuối cùng, bạn tắt bếp rồi cho vào 1 muỗng cà phê dầu mè, hành lá là hoàn tất.

- Bước 4: Tạo hình

Lấy phần bột ra và bắt đầu cán bột dày khoảng 1 cm. Tiếp đến, bạn dùng một cái chén ấn lên bột để tạo thành những miếng bột hình tròn.

Sau đó, bạn cho hỗn hợp nhân vào giữa miếng bột , thêm 1 quả trứng cút và dùng sữa bôi quanh mép bột để tạo độ kết dính. Cuối cùng, bạn khéo léo gói bánh lại và có thể tạo gợn sóng tùy thích để bánh trông đẹp mắt hơn.

- Bước 5: Chiên bánh

Bạn cho dầu ngập chảo rồi tiến hành đun khoảng 5 phút để dầu sôi. Tiếp đến, bạn cho bánh vào chiên ở lửa vừa đến khi bánh chín và vàng đều thì bạn vớt ra rồi cho ngay vào giấy thấm dầu.

- Bước 6: Pha nước chấm

Lần lượt cho vào chén 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng nước, 4 muỗng đường, 1 muỗng giấm. Tiếp đến, bạn khuấy đều để gia vị hòa quyện vào nhau rồi cho thêm 1 muỗng tỏi, ớt băm và hoàn tất.

- Bước 7: Thưởng thức

Món bánh gối càng mê đắm hơn khi kết hợp cùng phần nước mắm chua ngọt. Bạn có thể dùng kèm các loại rau sống sẽ thơm ngon hơn đấy.

Bánh gối
5

Bánh mochi nhân đậu đỏ

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Mochi là một loại bánh ngọt truyền thống đến từ đất nước hoa anh đào – Nhật Bản. Đây là loại bánh thường xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của người dân Nhật Bản hoặc chỉ đơn giản là trong những dịp tụ họp gia đình. 

Những năm gần đây, loại bánh này được bày bán tại rất nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam với đa dạng hình thức và hương vị, được rất nhiều người Việt ưa thích và sử dụng do hương vị thơm ngon dễ ăn của nó.

Nguyên liệu:

Phần vỏ bánh mochi

  • 115 g bột gạo ngọt Mochiko/bột nếp
  • 180 ml nước
  • 50 g đường
  • 50 g bột bắp

Phần nhân đậu đỏ

  • 150 g đậu đỏ
  • 100 g đường
  • 1 chút muối
  • Nước

Điểm nổi bật nhất của món ăn: bánh Mochi nhân đậu đỏ có phần vỏ bánh dẻo thơm, mềm mịn, có vị ngọt dịu hòa quyện cùng nhân đậu đỏ thơm bùi, hấp dẫn.

Cách làm bánh mochi không cầu kỳ như nhiều người nghĩ:

- Bước 1: Làm nhân bánh

Rửa sạch đậu đỏ rồi ngâm trong nước khoảng 1-2 giờ cho mềm.

Sau đó, bạn cho đậu đỏ vào nồi nấu chín mềm rồi đem xay hoặc tán nhuyễn.

Cho hỗn hợp trên vào nồi/chảo chống dính cùng đường sên trong lửa nhỏ đến khi đường tan hết và hỗn hợp sệt lại. Thêm một xíu muối cho đậm đà.

Để đậu nguội bớt, bạn chia hỗn hợp thành những phần bằng nhau rồi vo tròn.

- Bước 2: Làm vỏ bánh

Cho bột Mochiko/ bột nếp và đường vào một bát lớn. Từ từ thêm nước vào bột và khuấy kỹ đều tay để đảm bảo bột không bị vón cục.

Cho hỗn hợp bột vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 20 phút hoặc quay lò vi sóng khoảng 3 phút để thay thế. Chú ý đảo đều bột sau 10 phút hấp hay sau mỗi 1 phút quay lò vi sóng.

- Bước 3: Tạo hình bánh

Đổ bột ra khay phẳng đã trải một lớp bột bắp, dùng tay nhào nặn thêm 5 phút.

Chia bột thành những phần bằng nhau đủ lớn để bọc nhân đậu đỏ.

Vo tròn trong từng phần bột bánh, sau đó ấn dẹt rồi cho viên nhân vào giữa, khéo léo nặn vỏ bánh ôm trọn nhân bên trong.

Bánh mochi nhân đậu đỏ
6

Bánh bông lan

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh bông lan là món bánh rất phù hợp để bạn thưởng thức vào những buổi trà chiều hoặc có thể dùng làm món ăn trong các buổi sum họp của gia đình đều rất phù hợp, bắt vị. 

Nếu gia đình bạn không có bếp nướng bạn có thể sử dụng nồi cơm điện để làm bánh.

Nguyên liệu:

  • Bột mì 60 gr
  • Bột bắp 40 gr
  • Sữa tươi có đường 30 ml
  • Trứng gà 4 quả
  • Chanh 1/2 quả
  • Dầu ăn 15 ml
  • Vanila 1/2 muỗng cà phê
  • Đường 70 gr
  • Muối 1/2 muỗng cà phê

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện tại nhà vừa không tốn nhiều thời gian và công sức vừa rất thơm ngon, mềm xốp

Cách chế biến bánh bông lan bằng nồi cơm điện:

1. Đánh bông lòng trắng trứng

Đầu tiên, bạn sẽ rây 60gr bột mì và 40gr bột bắp cho mịn. Sau đó sẽ tách riêng lòng đỏ và lòng trắng của trứng gà vào 2 tô riêng biệt.

Cho 1/2 muỗng cà phê muối và 4 - 5 giọt nước cốt chanh vào lòng trắng trứng và dùng phới lồng đánh đều.

Đến khi trứng nổi bọt li ti thì bạn bắt đầu cho đường, vừa đánh vừa cho từ từ 70gr đường vào, đánh tan rồi mới cho phần đường tiếp theo. Đánh đến khi trứng bông cứng, nhấc que đánh lên thấy tạo chóp nhọn là đạt.

2. Trộn hỗn hợp lòng đỏ trứng và bột

Cho 1/2 muỗng cà phê vanila, 30ml sữa tươi có đường và 15ml dầu ăn vào tô lòng đỏ trứng và dùng phới lồng đánh thật đều hỗn hợp.

Sau đó, bạn sẽ đổ hỗn hợp gồm bột mì và bột bắp đã rây vào và đánh đều để tạo thành hỗn hợp mịn.

3. Trộn bột bánh

Đầu tiên, bạn sẽ cho khoảng 1/3 hỗn hợp lòng trắng trứng đã đánh bông vào tô hỗn hợp bột lòng đỏ lúc nãy và dùng phới lồng trộn đều tay đến khi hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn.

Sau đó, bạn cho hỗn hợp bột vừa trộn với lòng trắng trứng ở trên vào tô lòng trắng trứng đã đánh bông ban đầu và trộn đều theo kỹ thuật Fold (vét và hất nguyên liệu theo chiều từ dưới lên).

Bạn chỉ nên trộn 1 chiều và trộn cho đến khi bột vừa hòa quyện là ngừng (trong khoảng 5 phút), không nên trộn quá lâu vì làm bột bánh bị chai và kém nở.

4. Nướng bánh

Bạn có thể lót giấy nến xuống đáy nồi cơm điện để khi bánh chín sẽ dễ lấy ra hơn. Sau đó, đổ hỗn hợp bột bánh vào nồi cơm điện và nhấn nút nấu cơm (cook).

Ngoài ra, đối với nồi cơm điện có chế độ nướng bánh thì bạn tiếp tục nhấn menu chọn chế độ nướng bánh và đợi trong khoảng 40 phút để bánh được nướng chín.

5. Kiểm tra bánh

Hết thời gian cài đặt, bạn mở nắp nồi cơm ra và dùng ngón tay nhấn xuống mặt bánh. Nếu thấy mặt bánh bông lan không bị lõm xuống là bánh đã chín thì chờ bánh nguội một chút là đã có thể lấy ra dùng ngay.

Nếu trường hợp bánh chưa chín thì bạn tiếp tục đậy nắp lại và nhấn nút nấu cơm (cook), đợi thêm tầm 5 - 10 phút nữa là bánh sẽ chín đều hoàn toàn.

Bánh bông lan
7

Bánh sữa chua chiên giòn

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh sữa chua chiên giòn là một món ăn vặt hot từ Đài Loan được nhiều bạn trẻ ưa chuộng trong thời gian trở lại đây. Các nguyên liệu làm bánh rất đơn giản, đôi khi chúng luôn có sẵn trong căn bếp của bạn đó.

Nguyên liệu:

  • 2 - 3 gói sữa tươi không đường
  • 20ml sữa đặc
  • 14 - 15 lát bánh mì sandwich
  • 3 quả trứng gà
  • 1 - 2 miếng phô mai con bò cười
  • 1 gói bột chiên xù
  • Nguyên liệu khác: 5gr bơ lạt, 1 tuýp nhỏ vani, 10 gram bột bắp/bột năng, 15gr đường

Điểm nổi bật nhất của món ăn: bánh có vị giòn rụm hòa quyện với vị chua chua ngọt ngọt

Cách làm bánh sữa chua chiên giòn:

- Bước 1: Đầu tiên, bạn đập 1 quả trứng gà chỉ lấy lòng đỏ sau đó trộn hỗn hợp: lòng đỏ + đường + sữa đặc + bột bắp đã chuẩn bị sẵn rồi đánh cho đều.

- Bước 2: Nấu sữa và để nhiệt độ ấm đổ từ từ vào tô trứng rồi khuấy đều tay. Lưu ý, không nên để sữa quá nóng dễ làm chín trứng sẽ xuất hiện hiện tượng tách nước nha. Tiếp theo, bạn lại đổ sữa chua vào khuấy tiếp. Đổ hỗn hợp vào nồi rồi bắc bếp nấu và khuấy liên tục cho đến khi sệt lại. Khi hỗn hợp còn nóng bạn thả vào phô mai, bơ lạt, vani và đảo đều tiếp.

- Bước 3: Cho nhân bánh vừa làm xong vào 1 tô mới và bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Khi nhân bánh nguội thì cho nhân vào túi bắt kem.

- Bước 4: 2 quả trứng gà còn lại đánh tan cho vào 1 chén, 1 chén khác là bột chiên giòn. Bạn nhúng bánh vào trứng gà trước rồi nhúng vào bột chiên giòn. Cứ lần lượt như vậy đến khi hết số bánh đã làm.

- Bước 5: Bạn lấy chảo bắc lên bếp và cho dầu ngập bánh. Dầu sôi thì bạn cho bánh vào chiên đến khi vàng đều 2 mặt, giòn rụm.

Bánh sữa chua chiên giòn
8

Bánh sắn cốt dừa

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh sắn dừa nướng là món bánh rất ngon và được nhiều người yêu thích. Vị dẻo dai của sắn, vị thơm thơm của sữa vị ngậy ngậy của dừa cùng sự hấp dẫn bởi các nguyên liệu tự nhiên sẵn có và dễ kiếm tìm. 

Nguyên liệu:

  • Sắn: 2 củ khoảng 400gam
  • Đỗ xanh: 1/4 bát con đỗ xanh đã xát vỏ
  • Dừa bào
  • Sữa đặc, đường trắng, nước cốt dừa, bột năng

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Món bánh sắn dừa nướng trông rất đẹp mắt, mùi sắn lẫn với mùi cốt dừa rất thơm. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được bánh mềm dẻo dẻo dai dai, vị ngọt vừa phải, thêm vị ngậy béo của cốt dừa sẽ làm cho bạn thích mê ngay

Các bước tiến hành làm bánh sắn dừa nướng:

- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Các nguyên liệu sau khi được mua về các bạn làm sạch. Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, sau đó ngâm vào âu nước lạnh khoảng 1 – 2 tiếng. Tiếp đến mang đi hấp chín, nghiền thật mịn.

Chọn những quả dừa tươi lấy lấy cùi gọt xong thái sợi. Các bạn cũng có thể mua cùi dừa để bào sợi.

Sắn các bạn gọt vỏ, cắt làm đôi, ngâm vào chậu nước lạnh

Lưu ý: Trong quá trình ngâm nhớ bỏ một chút muối trắng vào chậu nước để sắn được trắng hơn), ngâm trong khoảng thời gian là từ 6 đến 7 tiếng.

- Bước 2: Luộc sắn

Chuẩn bị một nồi nước sẵn và cho sắn đã ngâm ở bước trên vào luộc, các bạn cũng có thể dùng nồi hấp để sắn chín đều được. Sau khi sắn đã chín thì vớt ra một chiếc rổ, đợi cho sắn nguội thì các bạn tước bỏ những phần sợ xơ và bỏ phần gân sắn. Chỉ để lại phần thịt sắn ngon mịn.

- Bước 3: Làm nhừ sắn

Sau khi sắn đã được chọn lọc phần ngon nhất. Rửa thật sạch tay hoặc có thể sử dụng gang tay an toàn thực phẩm các bạn bóp nát sắn ra sao cho thật nhừ.

- Bước 4: Trộn hỗn hợp

Trộn đều sắn đã được bóp nhuyễn ở bước (3) với đỗ xanh, dừa, sữa đặc, nước cốt dừa, đường, bột năng. Đảo thật đều tay cho các nguyên liệu được hòa quyện và bết dính vào nhau.

- Bước 5: Nặn bánh

Sau khi hỗn hợp sắn đã trộn xong, bạn lấy một phần nhỏ hỗn hợp đó và vo tròn, rồi ấn dẹp dẹp vừa mắt và miệng ăn. Cứ làm như thế cho đến khi hết hỗn hợp thì thôi.

- Bước 6: Nướng bánh

Bước cuối cùng, chuẩn bị một chiếc bếp than, và vỉ nướng bánh. Cho bánh lên vỉ và bắt đầu nướng bánh.Thỉnh thoảng trở mặt cho vàng và đều. Khi chín vớt ra chiếc đĩa. Và bánh có thể dùng ngay sau khi nướng. Sẽ rất thơm và ngon.

Lưu ý: Trong quá trình nướng bánh các bạn có thể cho một chút dầu trên bề mặt bánh để bánh không bị khô và dễ cháy. Tùy vào sở thích ăn mà các bạn có thể rán bánh hoặc nướng bánh. Hai cách này sẽ cho những thành phẩm cực kỳ thơm ngon và hấp dẫn nhưng mỗi cách thức sẽ có một vị ngon riêng.

Bánh sắn cốt dừa
9

Bánh nhúng

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh nhúng hay còn có tên gọi khác là bánh hoa, đây là món bánh yêu thích của nhiều người bởi hương vị thơm lừng, béo ngậy, lớp vỏ bánh giòn tan vô cùng quyến rũ. 

Nguyên liệu:

Trứng gà: 3 trứng 

 Bột mì đa dụng: 150g

Bột tẻ rây mịn: 100g

Đường cát trắng: 100g

Nước cốt dừa: 100g

Nước lọc: 300g

Muối: 1 nhúm nhỏ

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Bánh nhúng chiên lên vàng giòn thơm mùi sữa, kết hợp sự giòn tan và cái ngọt ngọt béo béo khó cưỡng của bột chiên, nước cốt dừa.

Cách làm bánh nhúng:

- Bước 1: Sơ chế bột bánh

Cho bột mì, bột gạo, đường trắng, muối vào cùng một âu rồi trộn đều hỗn hợp bột.

Hòa tan nước cốt dừa cùng với trứng và nước lọc đã chuẩn bị. Đổ khoảng 1/3 lượng hỗn hợp này vào phần bột ở trên rồi khuấy cho đến khi tan đều và bột không còn bị vón cục.

Khi thấy bột mịn đều thì đổ phần hỗn hợp còn lại vào khuấy cho đều một lần nữa, để bột nghỉ khoảng 15 – 20 phút. Nếu trường hợp bột bị vón cục bạn có thể lọc qua rây để loại bỏ lợn cợn.

- Bước 2: Chiên bánh

Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun sôi. Lưu ý nên cho nhiều dầu vì món bánh này rất hút dầu. Khi thấy dầu sôi bạn nhúng khuôn bánh vào chảo dầu, khoảng 2 – 3 phút để khuôn được làm nóng.

Sau đó nhấc khuôn bánh ra lắc nhẹ cho bớt dầu rồi nhúng vào âu bột. Lưu ý khi nhúng khuôn vào bột bánh không nên nhúng ngập khuôn vì sẽ khó lấy ra, chỉ nên nhúng vừa khuôn để vài giây bột chín sẽ tự tách khỏi khuôn. Rán cho đến khi vàng đều hai mặt bánh là được.

Lưu ý quan trọng là trong quá trình làm bánh bạn không được nhúng khuôn bánh vào nước nếu không bột sẽ không bám lên khuôn được.

- Bước 3: Hoàn thành và thưởng thức

Chiên bánh chín vàng đều hai mặt thì vớt ra để lên giấy thấm dầu. Chiên tiếp cho đến khi hết phần bột. Để tăng thêm hương vị hấp dẫn bạn có thể ăn kèm thêm một chút đường xay và siro, socola hay mứt trái cây đều thơm ngon.

Bánh nhúng
10

Bánh xèo

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh xèo là một trong số những món ăn vặt thơm ngon được người Việt ưa chuộng. Với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, bạn đã có ngay món bánh xèo thơm ngon tại nhà.

Nguyên liệu:

  • Bột bánh xèo pha sẵn (nếu không có bạn dùng bột gạo trộn với bột nghệ và cốt dừa)
  • Bánh tráng
  • Bia (giúp vỏ bánh giòn lâu)
  • Thịt ba chỉ
  • Tôm nõn/tép
  • Đỗ xanh nguyên vỏ
  • Hành tây, hành lá, hành khô, giá đỗ, cà rốt, ớt tươi, chanh, tỏi.
  • Các loại rau sống ăn kèm
  • Muối, hạt tiêu, đường

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Bánh xèo giòn rộm cuộn với rau xanh thơm nồng, chấm sâu vào chén nước mắm mằn mặn, ngọt ngọt, cay cay, chua chua ngon ơi là ngon.

Sơ chế sẵn nguyên liệu

  • Thái mỏng thịt ba chỉ hoặc băm nhỏ, ướp gia vị, hành khô. Tôm cắt râu, lột vỏ, làm sạch và đem xào chín cùng thịt
  • Hành tây bóc vỏ rồi thái múi cau, ngâm vào nước đá cho giòn và bớt hăng
  • Giá đỗ, rau thơm rửa sạch để ráo nước, hành lá xắt nhỏ
  • Đỗ xanh ngâm nước 1-2 tiếng, đãi sạch rồi đồ chín.

Cách làm bánh xèo giòn ngon, chuẩn vị tại nhà:

- Bước 1: Trộn bột

Trộn phần bột bánh xèo với một thìa nhỏ muối, một chén bia và nước. Sau đó khuấy đều cho đến khi có hỗn hợp lỏng, không vón cục

Cho hành lá và đỗ xanh vào

Để bột nguyên trong khoảng 20 phút

Lưu ý không nên pha bột quá đặc vì sẽ khiến vỏ bánh dày, không giòn, khó chín.

- Bước 2: Đổ bột bánh

Cho một thìa dầu ăn vào chảo chống dính, chờ dầu sôi

Đổ một thìa bột vào láng cho thật mỏng và đậy vung khoảng 1 phút cho chín

Cho hỗn hợp nhân tôm thịt đã sơ chế sẵn và đỗ giá sống lên

Gấp đôi bánh lại và chờ cho 2 mặt giòn đều

Tiếp tục làm cho đến khi hết bột và nhân bánh

Sau khi chiên bánh xèo, bạn đặt bánh lên giấy thấm dầu hoặc vỉ nướng cho thông thoáng. Cách này vừa giúp bánh giòn lâu mà ăn nhiều cũng không bị ngán.

- Bước 3: Thưởng thức

Bánh thành phẩm có màu vàng đẹp mắt, chỉ cần gắp bánh ra đĩa, thưởng thức khi còn nóng

Khi ăn, cuốn bánh xèo với bánh tráng hoặc rau xà lách, lá cải xanh, thêm chút rau sống và chấm nước mắm chua ngọt sẽ tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn.

- Cách làm nước mắm ăn bánh xèo

Cách làm nước mắm ăn bánh xèo chuẩn vị cũng không quá khó. Chỉ cần nắm được tỷ lệ pha như sau: 5 thìa nước, 2 thìa đường, 1.5 thìa nước mắm, 1 thìa nước cốt chanh rồi thêm tỏi, ớt băm vào, nêm nếm vừa ăn.

Bánh xèo
11

Bánh tai heo

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh tai heo là một loại bánh mặn của Việt Nam. Bánh có dạng lát mỏng, tròn, hình thù giống cái tai của con heo và có những đường sọc xoáy tròn đan xen giữa màu trắng sữa và màu nâu nhạt và có rắc những hạt mè. 

Nguyên liệu:

Bột mì: chuẩn bị khoảng 170 – 200 gram bột mì nguyên chất.

Nước cốt dừa hoặc sữa tươi.

1 hoặc 2 quả trứng gà ta

20-30 gram bơ thực vật đậu nành hoặc bơ thực vật tổng hợp.

Chanh tươi: 1 quả, chanh trắng hoặc chanh đào.

Bột ca cao, muối, đường trắng.

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Bánh tai heo chín tới giòn rụm, có vị ngọt bùi hòa quyện cùng chút đắng nhẹ từ lớp bánh cacao

Các bước làm bánh tai heo:

- Trứng gà: Đập vỏ, lấy phần lòng đỏ trứng.

- Chanh tươi: Vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.

- Bột mì bạn cho vào một chiếc âu hoặc bát lớn sạch, khô.

- Trộn nước cốt dừa (hoặc sữa tươi), lòng đỏ trứng gà, bơ thực vật, 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe đường, 1 thìa cafe nước cốt chanh vào cùng trong bát.

- Trộn bột: nhào bằng tay, không nên dùng đũa hay máy đánh vì như vậy sẽ dễ vốn cục.

- Nặn bánh: chia phần bột đã nhào làm hai phần (Không cần phải chia quá đều nhau theo tỉ lệ chuẩn).

- Giữ một phần bột đã chia ở trong âu, cho tiếp một chút nước dừa hoặc sữa tươi cùng 1 – 2 thìa cafe cacao vào. Nhào kỹ cho đến khi phần bột cacao trộn đều với lớp bột cũ.

- Cán hai phần bột này thành các lát mỏng. Tiếp đó, bạn đặt phần bột nâu lên trên phần bột trắng (hoặc ngược lại tuỳ ý thích của bạn) và cuộc tròn hai phần bột này với nhau.

- Khi cuộn xong bột, bạn để phần bột đã cuộn lên một chiếc đĩa khô và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Chờ cho bột se lại trong vòng từ 2 – 3 tiếng, bạn đem bột ra cắt thành những miếng mỏng vừa ăn. Không nên cắt quá dày hoặc quá mỏng.

- Cho phần bánh đã thái vào chiên và đảo đều. Quan sát cho tới khi màu của bánh chuyển sang màu vàng tươi, bạn vớt ra và để cho bánh thấm hết dầu. Để bánh nguội là bạn có thể thưởng thức được luôn hoặc cho vào những lọ thuỷ tinh khô để dùng bánh trong vòng từ 2 – 3 ngày tiếp theo.                                                        

Bánh tai heo
12

Bánh rán đường

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh rán đường hay xào đường là món ăn vô cùng giản dị và dân dã. Hẳn trong đời ai cũng có ít nhất một lần nếm thử món bánh có vị giòn, ngọt đặc trưng này. Bánh rán đường hiện tại vẫn còn được bày bán rất nhiều ở các khu chợ vùng quê và trong những chiếc xe hàng rong ở các khu chợ trên thành phố. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự làm bánh rán đường ngay tại nhà chỉ bằng một vài bước đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Bột nếp 200 gr
  • Bột tẻ 20 gr
  • Bột nở 5 gr
  • Dừa bào sợi 20 gr
  • Khoai tây 1 củ ( đã được luộc chín)
  • Đậu xanh 100 gr ( đã được luộc chín)
  • Sữa tươi không đường 3 muỗng canh
  • Nước 160 ml
  • Đường trắng 130 gr

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Bánh rán giòn rụm được phủ đều lớp đường ngọt ngọt bên ngoài, bên trong là phần nhân đậu xanh thơm phức mùi sữa, có vị beo béo, bùi bùi đặc trưng, ăn là ghiền.

Cách chế biến bánh rá́n đường nhân đậu xanh tại nhà:

1. Trộn bột bánh

Dùng muỗng nghiền nhuyễn củ khoai tây đã được luộc chín, thêm vào 200gr bột nếp, 20gr bột tẻ, 5gr bột nở, trộn đều.

Cho từ từ nước vào tô bột rồi trộn cho thật đều (khoảng 160ml nước), sau đó dùng tay nhào bột đến khi bột hòa tan hoàn toàn, được nhào nặn thành một khối bột dẻo.

Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín khối bột, rồi để yên trong ngăn mát tủ lạnh cho bột nghỉ khoảng 2 giờ.

2. Sên nhân đậu xanh

Dùng chày giã nhuyễn đậu xanh, cho hết vào chảo rồi thêm 20gr dừa bào sợi, 3 muỗng canh đường, 3 muỗng canh sữa tươi không đường.

Bật lửa rồi bắt đầu sên đậu xanh với mức lửa nhỏ, sên đến khi đậu xanh mềm nhừ, dẻo mịn là có thể tắt bếp.

3. Tạo hình bánh

Bạn chia nhân đậu xanh thành nhiều phần nhỏ bằng nhau, rồi dùng tay vo tròn.

Tương tự với phần bột bánh, bạn chia bột bánh thành nhiều phần đều nhau, vo tròn rồi dùng tay ép nhẹ để làm dẹp phần bột. Cho nhân đậu xanh lên trên miếng bột bánh, khéo léo bọc kín phần nhân bên trong.

Đặt bánh vào giữa lòng bàn tay, dùng lực ép nhẹ bánh một chút, giúp bánh khi chiên nhanh chín hơn rất nhiều.

4. Chiên bánh

Bắc lên bếp 1 chảo dầu, đun đến khi dầu sôi thì thả bánh vào chiên đến khi vàng đều thì nhanh tay vớt hết ra, để lên khay cho ráo bớt dầu.

5. Rán đường bánh

Cho vào chảo 100gr đường trắng, 1.5 muỗng canh nước, bật lửa và đảo đều tay với lửa nhỏ vừa.

Khi nước đường tan hoàn toàn, thì bạn từ từ thả hết bánh vào chảo, đảo liên tục đến khi đường kết thành lớp màu trắng bao phủ lên bề mặt bánh thì tắt bếp.

Bánh rán đường
13

Bánh tiêu

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh tiêu hay Bánh hồ tiêu là một loại bánh bột mì nướng có nguồn gốc từ thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đây là một món ăn đường phố đã trở nên khá phổ biến ở Đài Loan và có thể được tìm thấy ở các chợ đêm hoặc các quầy hàng thực phẩm mini trên khắp đất nước này. 

Nguyên liệu:

  • Bột mì: 300g
  • Bột nở: 10g
  • Men khô: 4g
  • Vừng trắng: 60g
  • Đường trắng: 60g
  • Tinh chất vani: nửa thìa cà phê
  • Muối: 1g
  • Dầu ăn: 350 ml

Điểm nổi bật nhất của món ăn: hương vị giòn thơm của vỏ bánh kết hợp với vị ngọt nhẹ và mềm của ruột bánh

Cách làm bánh tiêu ngon tại nhà:

- Bước 1: Cho đường vào nước ấm khuấy đều cho đến khi đường tan hết. Tiếp đó, cho men khô vào khuấy đến khi men nổi như gạch cua thì để yên.

- Bước 2: Cho bột mì, bột nở, tinh chất vani, muối, dầu ăn và phần men đã quấy vào cùng một chiếc bát to rồi cho một ít nước ấm vào. Sau đó, dùng thìa trộn đều hỗn hợp bột. Lưu ý là nên đổ nước từ từ để bột ngấm vừa đủ và vừa cho nước bạn vừa trộn đều tay để tránh cho bột bị nhão.

- Bước 3: Sau khi trộn bột xong, bạn cho bột ra thớt rồi dùng tay nhồi bột cho đến khi bột tạo thành một khối. Tiếp đó, bạn rắc một lớp bột mì lên trên mặt thớt (thớt khô ráo) rồi đặt khối bột lên và tiếp tục nhồi cho đến khi bột không còn dính tay nữa. Khi chạm vào mà thấy bột không quá khô, có độ ẩm là được.

- Bước 4: Sau khi nhồi bột xong, bạn cho khối bột vào một chiếc bát tô lớn, dùng khăn ẩm phủ kín lên tô bột, ủ bột nơi không có gió trong khoảng 2 tiếng (có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc kín âu bột). Khi thấy bột nở lên gấp đôi so với lượng bột ban đầu, ấn ngón tay vào giữa khối bột nếu bột lõm xuống, không đàn hồi tức là bột ủ đã đạt.

- Bước 5: Đem bột đã ủ ra và nặn khối bột thành khối trụ dài, sau đó cắt bột thành miếng nhỏ có khối lượng 50g. Sau đó, vo bột thành các viên tròn rồi dùng màng bọc thực phẩm ủ bột lần 2 khoảng 20 phút ở nhiệt độ khoảng 35°C, để bột nở to thêm.

- Bước 6: Bột ủ xong, lăn từng viên bột qua vừng cho vừng bám vào và dùng cây cán bột cán khối bột thành hình tròn thật mỏng.

- Bước 7: Đặt chảo lên bếp đổ dầu vào đun, đợi dầu thật nóng thì vặn nhỏ lửa vừa cho bánh vào chiên. Lấy đũa ấn 2 mép bánh cho ngập dầu để bánh nở căng phồng. Trở đều 2 mặt bánh thường xuyên để bánh không bị cháy. Đến khi thấy 2 mặt bánh vàng đều thì bạn vớt ra để vào giấy thấm dầu.

Thành phẩm bánh tiêu đạt yêu cầu là khi chín sẽ mềm xốp, nở to, có mùi thơm vô cùng đặc trưng của bột và vừng, có vị giòn thơm của vỏ bánh cùng với vị ngọt nhẹ và mềm mịn của ruột bánh.

Bánh tiêu
14

Bánh Flan truyền thống

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh Flan còn có tên gọi khác là caramel, được chế biến bằng cách hấp chín các nguyên liệu trứng, sữa và nước caramel. Đây là loại bánh có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu nhưng hiện đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, bánh flan thường được dùng làm món tráng miệng bởi hương vị thơm ngon, ngọt ngào lại giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, đây còn là món ăn vặt phù hợp với mọi lứa tuổi, được giới trẻ ưa chuộng, rất bổ dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Cách làm bánh flan không yêu cầu kỹ thuật gì đặc biệt nên ai cũng có thể làm được dù mới bắt đầu học làm bánh.

Nguyên liệu:

6 quả trứng gà

500ml sữa tươi

300g đường

2 ống vani, chanh

Khuôn đổ bánh flan.

Các bước làm bánh flan truyền thống tại nhà:

- Bước 1: Cho đường vào nồi, đổ ít nước rồi bắc lên bếp đun với lửa nhỏ. Khi thấy đường sôi chảy, bốc khói và ngả màu cánh gián thì cho vào chút nước cốt chanh, lắc đều. Trút nhanh caramel vào khuôn bánh, tráng nhẹ cho tạo một lớp mỏng dưới đáy khuôn.

- Bước 2: Trứng gà tách lấy lòng đỏ cho vào tô, đánh tan. Cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi, bắc lên bếp đun lửa nhỏ cho hơi nóng ấm rồi tắt bếp. Đổ từ từ sữa vào trứng, vừa đổ vừa khuấy nhẹ theo một chiều để hỗn hợp hòa quyện.

- Bước 3: Lọc hỗn hợp qua rây vài lần cho mịn. Khi caramel trong khuôn đã khô cứng lại thì đổ hỗn hợp trứng sữa vào.

- Bước 4: Đặt khuôn bánh vào nồi hấp cách thủy. Bắc lên bếp hấp với lửa nhỏ từ 30 – 40 phút. Bánh chín lấy ra để nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng là dùng được.

Bánh Flan truyền thống
15

Bánh su kem

16/06/2022

 Chỉnh sửa

Bánh su kem là loại bánh có lẽ cũng được khá nhiều người yêu thích bởi vẻ bề ngoài đơn giản nhưng bên trọng lại mang một hương vị mát lạnh và thanh nhẹ. Bánh su kem không chỉ hấp dẫn trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng phải mê. Bánh su kem là món bánh ăn vặt bổ dưỡng mà lại rất an toàn. Nguyên liệu và dụng cụ để làm bánh này cũng khá đơn giản, dễ chuẩn bị, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà. 

Nguyên liệu:

  • 150g bột mì
  • 5 quả trứng gà
  • 200ml Whipping cream
  • 250ml sữa tươi
  • Đường, muối, bơ
  • Dụng cụ làm bánh: nồi cơm điện

Điểm nổi bật nhất của món ăn: Lớp vỏ giòn vừa bên ngoài trái ngược với phần nhân chứa kem ngọt mát, dẻo mịn bên trong chính là điểm hấp dẫn đặc biệt của bánh.

Cách làm bánh su kem:

- Bước 1: Các bạn sử dụng một cái nồi nhỏ cho một ít đường, bơ và một ít sữa tươi vài nồi và nấu với lửa nhỏ. Khi bơ, đường tan thì cho vào một chút muối để hương vị được đậm đà hơn.

- Bước 2: Bột mì đem rây lại cho thật mịn sau đó đổ từ từ vào hỗn hợp đang nấu ở trên, khuấy thật đều cho đến khi sệt lại.    

- Bước 3: Trong khi bột còn nóng, đập từ từ từng quả trứng gà vào và khuấy đều tay để hổn hợp không bị hở bọt khí nếu không bánh sẽ bị rỗ. Trộn cho đến khi hết trứng hỗn hợp sẽ dính và sệt hơn.  

- Bước 4: Cho hỗn hợp vào túi bắt kem để trong ngăn mát tử lạnh từ 10-15 phút.

- Bước 5: Tiếp đến cho whipping cream vào một cái tô lớn sau đó cho thêm một ít đường và vani để tạo mùi thơm. Dùng máy đánh trứng đánh cho đến khi hỗn hợp bông đứng chóp như để phủ bánh kem. Sau khi chuẩn bị xong phần kem này, bạn cất ngăn mát tủ lạnh.

- Bước 6: Cho một ít nước lọc vào nồi cơm điện, đặt khay hấp bánh vào và lót một lớp giấy nến nướng bánh. Lấy hỗn hợp vỏ bánh trong tủ lạnh ra, lúc này các bạn có thể tạo hình bánh lên giấy nến tùy theo sở thích. Khoảng cách mỗi bánh cách nhau 2-3cm để không bị dính vào nhau. Sau đó hấp bánh đến chín. Thời gian hấp khoảng 25-30 phút hoặc khi bạn thấy bánh phồng xâm vào không còn dính bột là đã được.

- Bước 7: Khi bánh chín các bạn lấy ra và để nguội. Khi thưởng thức, chỉ cần dùng dao nhọn rạch một đường quanh bụng bánh và cho whipping cream đã đánh bông vào. Thế là bạn đã hoàn thành một đĩa bánh su kem chỉ sau vài bước đơn giản.

Bánh su kem

Trên đây là top 15 món bánh ngon dễ làm tại nhà mà nhất định bạn nên note ngay vào cuốn sổ tay nấu ăn của mình. Làm bánh tại nhà không chỉ đảm bảo vệ sinh, tốt cho sức khỏe của cả gia đình mà còn mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đừng quên chia sẻ những món bánh trên để mọi người cùng biết nhé!

Đánh giá:

Bình luận

Vui lòng đăng nhập để bình luận.

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Báo lỗi

Nội dung báo lỗi là bắt buộc!

Thông báo